Nhiều trường hợp đáng tiếc
Mới đây, một du khách quốc tịch Ấn Độ đột ngột ngã gục trong nhà hàng ở TP Đà Nẵng đã được nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) hồi sinh tim phổi, cứu sống tại chỗ kịp thời. Nữ điều dưỡng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội.
Đây là một trong số trường hợp may mắn khi gặp nạn ngoài cộng đồng nhưng vô tình có người chuyên môn y tế bên cạnh. Còn phần lớn các trường hợp gặp nạn, người sơ cứu ban đầu chỉ có thể là người dân, bạn bè...
Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận 300 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó 40% do tai nạn giao thông.
Điều đáng nói, theo bác sĩ Hùng, có nhiều trường hợp được sơ cứu sai cách dẫn đến những tổn thương đáng tiếc, đặc biệt là trong các vụ tai nạn có chấn thương đốt sống cổ.
Dẫn chứng trường hợp điển hình như, một bệnh nhân ở Hải Phòng bị tai nạn giao thông gãy đốt sống cổ, người sơ cứu lập tức bế nạn nhân đến bệnh viện thay vì để nằm thẳng tại chỗ. Hậu quả, mảnh xương vỡ đâm vào tuỷ khiến bệnh nhân bị liệt. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Nếu như bệnh nhân này được sơ cứu đúng sẽ không xảy ra trình trạng bị liệt như vậy.
Một trường hợp khác, ông bố ở Nam Định thấy con sốt cao co giật, liền cho tay vào miệng để tránh trẻ cắn phải lưỡi. Nhưng ông bố lại bị con cắn sâu vào tay gây tổn thương và nhiễm trùng lên tận cổ tay, suýt phải tháo khớp…
Hay trong vụ tai nạn giao thông ở Kon Tum khiến nhiều người tử vong, 24 người tham gia cấp cứu, trong đó có 17 nhân viên y tế. Nhóm người tham gia cấp cứu nhiệt tình nhưng lại quên bảo vệ an toàn cho bản thân nên đã bị phơi nhiễm HIV, do trong số các nạn nhân có người nhiễm HIV.
Sơ cứu đúng cách, giảm thiểu trường hợp tử vong
Theo bác sĩ Hùng, mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Việc có kiến thức sơ cấp cứu rất quan trọng để kịp thời hỗ trợ người bệnh không may gặp nạn. Sơ cấp cứu đúng cách, có thể cứu tính mạng người bệnh, giúp cho các tổn thương không tiến triển nặng hơn.
Chuyên gia lưu ý, khi sơ cứu cho nạn nhân trong mọi tình huống, người dân cần đảm bảo 5 nguyên tắc:
An toàn
Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu.
Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp.
Hành động thống nhất.
Đề phòng lây nhiễm, đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương; rửa tay trước và sau khi sơ cứu; xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.
Bác sĩ Hùng cho biết, khi sơ cứu cho những nạn nhân gặp tai nạn giao thông, đề phòng họ bị gãy đốt sống cổ, nên giữ cho họ nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên, trước khi nhân viên y tế đến. “Hành động cứu người là anh hùng nhưng có thể trở thành gánh nặng cho người khác nếu bạn không làm đúng” - bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước: Đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp (113,114,115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển.
Các chuyên gia y tế lưu ý, khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, rồi thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường như có chất cháy, nổ, khí độc hay không và nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn; vừa cấp cứu vừa gọi người tới hỗ trợ.
Ngoài ra, khi sơ cứu bệnh nhân thường có 3 tình huống:
Nạn nhân tỉnh: người giúp đỡ cần hỏi thông tin, kiểm tra vết thương, đưa người bệnh về tư thế thoái mái nhất (tư thế hồi phục).
Nạn nhân không tỉnh, còn mạch: nếu bệnh nhân hôn mê, còn thở, còn mạch, người dân cần kiểm tra đường thở của bệnh nhân có đờm dãi hay không và đưa bệnh nhân về tư thế an toàn để người bệnh thở dễ dàng hơn; tư thế nằm nghiêng an toàn khi nạn nhân hôn mê.
Nạn nhân bất tỉnh, không còn mạch, thực hiện hồi sinh tim phổi cơ bản; gọi người hỗ trợ giúp đỡ, đồng thời gọi cấp cứu 115.