Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính:

Số giờ làm thêm chỉ nên tăng lên tối đa 60 giờ/tháng

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thêm giờ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động (NLĐ).

Do vậy, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đề nghị chỉ nên tăng thời gian làm thêm lên tối đa 60 giờ/tháng, áp dụng cho một số ngành nghề.
Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính.
Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính.

Không đồng tình tăng tới 180%

Thưa ông, ông có ý kiến gì khi tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/3, Chính phủ đã có đề xuất quy định giờ làm thêm của NLĐ lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm; áp dụng cho tất cả các ngành nghề, công việc?

- Về cơ bản tôi không đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm của Chính phủ với hai lý do. Thứ nhất, việc áp dụng mức trần làm thêm 300 giờ/năm áp dụng cho tất cả các ngành nghề công việc là quá rộng. Bởi Chính phủ chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn và quốc tế về tăng giờ làm thêm do tác động của dịch bệnh Covid-19. Chính phủ cũng chưa có đánh giá tác động đầy đủ về việc nâng mức trần làm thêm giờ lên tới 72 giờ/tháng ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của NLĐ, đặc biệt là những lao động nữ, lao động khuyết tật, người cao tuổi, người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi và những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thứ hai, việc nâng giới hạn về thời gian làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ là chưa có cơ sở khoa học. Việc tăng này cũng quá cao, tới 180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và tăng 240% so với Bộ luật Lao động năm 2012.

Nếu tăng giờ làm thêm lên tới 72 giờ/tháng thì NLĐ sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn lao động, hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực ra sao?

- Vấn đề tăng giờ làm thêm của NLĐ đã được đặt ra rất nhiều lần; khi Chính phủ đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động có đề cập đến nội dung này nhưng Quốc hội và Tổ chức Công đoàn không đồng tình bởi sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, an toàn lao động của NLĐ, thời gian chăm sóc con, học hành nâng cao trình độ tay nghề. NLĐ không đủ thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, tái tạo sức lao động. Tăng giờ làm thêm là đi ngược với xu hướng tiến bộ, phát triển khoa học công nghệ, tăng lương, giảm giờ làm trên thế giới.

Tôi chia sẻ khó khăn của DN về việc, trong quá trình sản xuất kinh doanh, DN không thể tránh khỏi các rủi ro thiên tai, dịch bệnh hay những lý do bất khả kháng, buộc phải tạm dừng hoạt động. Sau những rủi ro, bất khả kháng đó, DN cần huy động NLĐ làm thêm giờ để khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, thời gian làm thêm chỉ nên ở mức giới hạn pháp luật đã quy định để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của NLĐ. Các nghiên cứu của Viện Bảo hộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cho thấy, những vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều trong thời gian tăng ca, làm thêm.

Khu biệt một số ngành nghề

Thưa ông, có một thực tế là NLĐ rất muốn được tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhất là khi hiện nay giá lương thực thực phẩm thiết yếu đều tăng?

- Hiện nay, thu nhập và tiền lương của NLĐ quá thấp, cộng thêm với giá các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng do giá xăng tăng. Do vậy, NLĐ muốn đủ sống thì họ buộc phải làm thêm, nếu không cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn. Không chỉ vậy, khi đi làm thêm, NLĐ được một bữa ăn giữa ca. Do vậy, nhiều nơi NLĐ xung phong đi làm thêm, có DN không tổ chức tăng ca thì NLĐ ngừng việc để phản đối. Thậm chí, có những DN cho biết không tuyển được công nhân vì không tổ chức làm thêm.

Chúng ta thấy nhu cầu làm thêm của NLĐ là có thật nhưng cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động, cũng như phải giữ gì sức khỏe để đảm bảo an toàn lao động trong quá trình lao động sản xuất về lâu dài. Các chuyên gia về lao động và thế giới đã có nghiên cứu rất đầy đủ về tác động của làm thêm tới sức khỏe của NLĐ. Có thể trong một thời gian trước mắt, NLĐ thấy cuộc sống quá bức bách thì có nhu cầu làm thêm nhưng nên ở chừng mực nào đó. Máy móc, xe cộ cũng cần phải tra dầu, nghỉ hoạt động, huống chi NLĐ cần có thời gian nghỉ ngơi, để tái tạo sức lao động, để chăm lo cho gia đình. Vì vậy, người sử dụng lao động và NLĐ phải hết sức cân nhắc về làm thêm giờ.

Theo quan điểm của ông, trong trường hợp buộc phải tăng giờ làm thêm để giúp DN phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh thì mức tăng bao nhiêu là hợp lý?

- Tôi nghĩ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh thực hiện theo đúng Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì có rất nhiều giải pháp, trong đó có tăng giờ làm thêm. Tôi đồng ý tăng giờ làm thêm là để hỗ trợ DN nhưng trong mức giới hạn, từ dưới 40 giờ nâng lên thành 60 giờ/tháng, tăng thành 150%; và không quá 300 giờ/năm.

Việc tăng giờ làm thêm không áp dụng cho tất cả các ngành nghề, công việc, mà chúng ta nên lựa chọn. Theo đó, Bộ LĐTB&XH cần tiến hành khảo sát từ thực tiễn, có cơ sở khoa học để đưa ra tiêu chí lựa chọn ngành nghề, công việc được tăng giờ làm thêm, từ đó có danh mục cụ thể. Ví dụ, DN sản xuất hàng xuất khẩu hoặc sản xuất hàng thiết yếu, trong gian dịch bệnh vừa qua phải tạm dừng hoạt động, bây giờ cần tăng tốc để đáp ứng hợp đồng của khách, yêu cầu thị trường.

Việc tăng thời giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế, thực hiện trong thời gian ngắn hạn, đến khi nền kinh tế phục hồi, có thể hết năm 2022, hoặc tháng 6/2023, hay đến hết năm 2023.

Chính phủ có đề xuất quy định giờ làm thêm của NLĐ lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm; áp dụng cho tất cả các ngành nghề, công việc. Ảnh Phạm Hùng
Chính phủ có đề xuất quy định giờ làm thêm của NLĐ lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm; áp dụng cho tất cả các ngành nghề, công việc. Ảnh Phạm Hùng

Lương làm thêm giờ được tính theo lũy tiến

Khi tăng giờ làm thì mức lương làm thêm giờ được tính ra sao, thưa ông?

- Theo quy định của Bộ luật Lao động, NLĐ làm thêm giờ ngày bình thường tiền lương ít nhất bằng 150% theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm; ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% và ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%. Nhưng tôi kiến nghị, tới đây, khi đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động cần tính đến tiền lương lũy tiến khi làm thêm giờ. Nếu thời gian làm thêm vượt thời gian tối thiểu 200 giờ/năm thì tiền lương sẽ tính lũy tiến. Ví dụ NLĐ làm thêm từ 201 - 250 giờ thì không áp dụng 150% tiền lương (như quy định hiện nay) mà tăng thành 200%; tương tự, từ 251 - 300 giờ thì tiền lương tăng lên 300%. Khi DN muốn tăng ca cũng phải hài hoàn lợi ích: DN giải quyết được khó khăn của mình và NLĐ có thêm tiền lương làm thêm giờ nhưng phải có giới hạn.

Bộ LĐTB&XH cần có quy định gì để ngăn ngừa DN lách luật, ép NLĐ làm thêm giờ?

- Để tránh việc DN lợi dụng NLĐ, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ như Thanh tra lao động và sở LĐTB&XH các địa phương phối hợp với tổ chức Công đoàn tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của lao động nói chung trong đó có thời gian làm thêm. Khi phát hiện DN vi phạm quy định về làm thêm giờ thì xử lý nghiêm minh. Có như vậy, các DN mới thực hiện đúng quy định pháp luật về thời giờ làm thêm và đảm bảo an toàn cho NLĐ.

Xin cảm ơn ông!

 

"Ban chấp hành Công đoàn ở công ty cần phải đàm phán với chủ sử dụng lao động về những quy định về làm thêm giờ và đưa vào trong các thỏa ước, nội quy lao động để DN tuân thủ thực hiện. Nếu các DN không chấp hành, vi phạm nghiêm trọng thì công đoàn cấp cơ sở phải báo cáo lên công đoàn cấp trên.

Công đoàn cấp trên sẽ cùng với các cơ quan chức năng, chuyên môn của Nhà nước thanh, kiểm tra và xử phạt; có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi của NLĐ." - Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính