Số hóa ngành du lịch: Xu hướng tất yếu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, cạnh tranh dịch vụ không chỉ về giá, chất lượng, mà còn là tiện ích công nghệ, thói quen tiêu dùng mới. Vì vậy, số hóa ngành du lịch ngày nay không chỉ  là một chiến lược tùy chọn mà trở thành xu hướng tất yếu phải được thực hiện.

Tăng tiện ích, giảm chi phí

Với sự bùng nổ của công nghệ và sau đại dịch Covid-19, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi, luôn có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc, mọi nơi chính là mong muốn của họ. Khảo sát mới đây của Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2022 cho thấy, kênh đặt dịch vụ được phần lớn du khách lựa chọn qua ứng dụng du lịch như: Traveloka, Booking.com… (78,5%). Tiếp đó là qua website của công ty du lịch (56,9%), rồi mới đến đặt trực tiếp tại văn phòng của đại lý, công ty du lịch (36,9%).

Khảo sát cũng cho thấy, xu hướng khách du lịch ưu tiên các phương thức thanh toán không tiếp xúc, hạn chế tiền mặt nhiều hơn với tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ ATM/Visa lên tới 72,3%, chuyển khoản 52,3%, ví điện tử 46,2% rồi mới đến tiền mặt (33,9%).

Du khách sử dụng vé du lịch điện tử khi tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám
Du khách sử dụng vé du lịch điện tử khi tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám
 

"Việc tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng và các hoạt động của DN bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ sẽ giúp DN đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất." - Giám đốc Traveloka   Việt Nam Huỳnh Thị Mai Thy cho biết.

Bà Huỳnh Thị Mai Thy – Giám đốc Traveloka Việt Nam cho rằng, với dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam trong những tháng gần đây, chuyển đổi số là bước tiến tất yếu của du lịch nước nhà, cụ thể là thông qua hình thức du lịch không chạm và du lịch thông minh. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để phát triển du lịch thông minh sẽ giúp thay đổi hình ảnh, nâng tầm thương hiệu và tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam. “Đây chính là mảnh đất màu mỡ  mà những DN còn trụ vững qua mùa dịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vận chuyển... có thể “khai phá” để tìm cơ hội tăng doanh thu. Chiến lược phổ biến hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm trên một nền tảng, liên kết lẫn nhau và tăng trải nghiệm số” – bà Mai Thy bày tỏ.

Đón đầu xu hướng này, các địa phương, DN lữ hành tích cực chuyển đổi số ngành du lịch. Hà Nội đã phát triển các ứng dụng du lịch thông minh như Visit Hanoi, MyHanoi với các tính năng như là trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách. Đến thời điểm hiện tại, có 27 điểm đến trên địa bàn TP triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Các điểm đến như: Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đã phát triển hệ thống thuyết minh tự động và nhiều công nghệ hiện đại khác phục vụ du khách đến tham quan. Qua đó, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị hoặc ứng dụng các công nghệ mới như: 360, 3D, flycam, mapping… để gia tăng lượng khách du lịch ảo.

Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi số ngành du lịch. Hiện, tỉnh này đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity”. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).

Các DN lữ hành cũng linh hoạt áp dụng công nghệ sáng tạo để giữ an toàn cho khách hàng mà vẫn cung cấp những trải nghiệm du lịch mới mẻ, tiện lợi. Đặt phòng khách sạn, lên máy bay, tàu xe… không tiếp xúc, đặt đồ ăn hoặc dịch vụ qua ứng dụng hoặc hỗ trợ nhân viên hướng dẫn qua ứng dụng di động hoặc trò chuyện là tất cả các giải pháp mang lại sự an tâm hơn cho khách du lịch.

Chia sẻ kinh nghiệm của DN, ông Ngô Minh Đức - Tổng Giám đốc công ty CP Công nghệ du lịch Gotadi cho biết: DN của ông đã áp dụng chuyển đổi số từ năm 2014. Việc ứng dụng chuyển đổi số giúp DN tinh giảm được nhân sự, cắt giảm nhiều chi phí, đặc biệt là đem lại trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng. Hiện nay, Gotadi đã kết nối với 7.000 khách sạn trong nước; 450.000 khách sạn quốc tế; làm việc trực tiếp với 4 hãng hàng không trong nước và 900 hãng hàng không quốc tế… Với đa dạng phương thức thanh toán, giúp du khách tiết kiệm khoảng 20% chi phí.

Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh

Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số Trương Gia Bảo cho biết: Thói quen tiêu dùng của du khách đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ và đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, DN du lịch dễ dàng nắm bắt nhu cầu thật sự của du khách, từ đó cung cấp sản phẩm đúng, trúng tới từng đối tượng khách hàng mục tiêu. Muốn làm được điều này, ngành du lịch cần nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số để hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu thông minh. Việc số hóa sẽ giúp thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát để các thành phần cùng khai thác. Qua đó, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa xu hướng, nhu cầu của du khách.

Theo ông Trương Gia Bảo, số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách thông qua thiết bị thông minh; mà còn hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ DN kết nối thuận tiện với các chủ thể liên quan, từ đó, tăng cường hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh cũng như uy tín thương hiệu du lịch quốc gia.

Tuy nhiên, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại… Sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng tới khu vui chơi giải trí, điểm tham quan… Do đó, việc chuyển đổi số hóa các dữ liệu du lịch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất. 

Ở góc độ DN, Giám đốc công ty Du lịch Nhật Việt Nguyễn Minh Nhật chia sẻ: Việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc DN và quy trình kinh doanh, đây là sự thay đổi mà không phải DN nào cũng sẵn sàng để bước vào “cuộc chơi lớn”. Do đó, các cơ quan quản lý nên có những chính sách kiến tạo môi trường để các DN trong nước có đủ thời gian lớn mạnh, tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.

Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho hay: Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã hình thành hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành du lịch, bao gồm các dữ liệu thành phần như: DN lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch…

Trong thời gian tới, các địa phương, khu/điểm du lịch cần đẩy mạnh số hóa các điểm đến và tích hợp vào cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch. Qua đó, sẽ giúp hình thành nguồn dữ liệu lớn rất quan trọng để phục vụ công tác quản lý cũng như xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia cũng như địa phương.