Số phận ông Cameron sẽ ra sao?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lập trường ủng hộ Anh là một phần của Liên minh châu Âu (EU), vị trí của Thủ tướng David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit) hôm 23/6 chắc chắn sẽ bấp bênh hơn.

Nhận định về số phận của Thủ tướng Cameron sau ngày 23/6, phải nhớ lại thời điểm tháng 3/2105 khi ông bất ngờ tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3. Điều này đồng nghĩa, ông Cameron chắc chắn sẽ rời nhiệm sở từ năm 2020, tiếp sau một cuộc bầu cử lãnh đạo mới cho đảng Bảo Thủ. Tuy nhiên, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit có thể quyết định thời điểm ông Cameron từ nhiệm sớm hơn, cụ thể hơn.
Thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Có nhiều nghi ngại rằng nếu kịch bản Brexit xảy ra, ông Cameron sẽ buộc phải từ nhiệm ngay lập tức. Tuy nhiên, diễn biến của chính trường Anh không đơn giản như vậy. Brexit thành hiện thực đồng nghĩa các cử tri đã hoàn toàn phủ nhận lập trường của Thủ tướng Anh trong vấn đề chính trị nóng bỏng nước này đối diện nhiều thập kỷ qua. Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào chính quyền Thủ tướng David Cameron.                                                         

Không nghi ngờ rằng, ông Cameron sẽ “rời ghế” nhưng thời điểm đó là lúc nào? Mặc dù một số nghị sĩ như Boris Johnson, Michael Gove, Chris Grayling và Iain Duncan Smith ủng hộ Brexit nhưng họ vẫn bày tỏ mong muốn ông Cameron tại nhiệm bất chấp kết quả cuộc trưng cầu. Bản thân ông Cameron cũng từng cam đoan sẽ đi tới cùng để hiện thực hóa ý chí của người dân Anh. Tuy nhiên, theo một báo cáo The Independent trích dẫn, chỉ cần 50 nghị sĩ đảng Bảo Thủ để phát động cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Một thử thách mà nếu Brexit thành hiện thực, ông Cameron sẽ khó lòng vượt qua.

Dù vậy, việc từ nhiệm ngay lập tức sẽ trở thành một rủi ro lớn cho nền kinh tế Anh. Bên cạnh đó, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, các lãnh đạo EU dự kiến sẽ có cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 28 - 29/6 để bàn thảo về số phận của nước Anh. Tại đây, Anh sẽ đề cập Điều khoản 50 của Công ước EU để bắt đầu “cuộc ly hôn” với khối này. Trong vòng hai năm kể từ đó, Anh mới hoàn thành việc rời khỏi EU vào cuối tháng 6/2018. Đồng thời, Anh sẽ phải đàm phán dài hạn về các thỏa thuận thương mại với EU, châu Âu và phần còn lại của thế giới. Thời hạn hai năm này cũng góp phần tạo khung thời gian để Scotland sắp xếp cuộc trưng cầu dân ý tương tự về việc có tiếp tục là một phần của nước Anh. Hoàn thành những phần việc dang dở này vẫn là trách nhiệm của ông Cameron.

Trong trường hợp Brexit không xảy ra, tình thế của ông Cameron sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, với tình trạng dư luận Anh chia rẽ sít sao về vấn về Brexit như hiện nay, nếu họ quyết định Anh ở lại EU, tỷ lệ phản đối Brexit dự kiến sẽ chênh không đáng kể so với số cử tri ủng hộ. Một chiến thắng lớn cho những người ủng hộ Anh ở lại EU là viễn tưởng khó khăn. Như vậy, dù bảo toàn được vị trí trong ngắn hạn, vị thế của Thủ tướng Cameron và đảng cầm quyền cũng sẽ bị xói mòn. Tóm lại, nếu Anh rời EU, việc từ nhiệm của ông Cameron là tất yếu với hai lựa chọn, một là tự nguyện, hai là bị thúc giục. Thời điểm Thủ tướng Anh tuyên bố rời nhiệm sở rất có thể rơi vào nửa cuối năm 2018, khi “cuộc ly hôn” giữa Anh với khối 28 thành viên đã tươm tất.