Sở Y tế TP Hồ Chí Minh báo động nguy cơ dịch đau mắt đỏ

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tại các bệnh trên địa bàn TP đã tiếp nhận hơn 71.000 ca bệnh đau mắt đỏ. Vì vậy, Sở này đưa ra cảnh báo nguy cơ dịch đau mắt đỏ lây lan trong cộng đồng rất cao.

Nguy cơ bùng dịch đau mắt đỏ

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số trường hợp viêm kết mạc (đau mắt đỏ) là 71.740. Đáng lưu ý, số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong đó, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn.

Sở Y tế cho biết số ca đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất là năm 2013. Từ đó đến nay, số trường hợp đau mắt đỏ vẫn được ghi nhận nhưng chỉ là những ca lẻ tẻ. Theo đó, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng lo ngại nhất là nguyên nhân do virus vì có thể lây lan trong cộng đồng.

“Báo cáo của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cho thấy, điều đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết - giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến. Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ trong thời gian gần đây, một số phải cấp cứu do biến chứng” - PGS-TS Tăng Chí Thượng Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh đau mắt đỏ. Ảnh minh hoạ
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh đau mắt đỏ. Ảnh minh hoạ

Theo đó, triệu chứng của bệnh sẽ có các dấu hiệu như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… Nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do virus Adenovirus, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp.

Nếu có những triệu chứng trên, người bệnh nên nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5 – 7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp (lưu ý: chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định).

Khẩn trương nghiên cứu tìm tác nhân gây bệnh

Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng trên địa bàn TP trong những ngày gần đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) khẩn trương thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Đồng thời, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ.

Theo Sở Y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng: chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, cộm. Bên cạnh đó, một số người có thể bị đau mắt do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus tấn công gây nên tình trạng chảy nước mắt, phù mi, ghèn vàng hoặc xanh.

Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với lông vật nuôi, phấn hoa, bụi…. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường: do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.

Sở Y tế lưu ý, những phương pháp dân gian như xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Để phòng tránh bệnh và lây bệnh, các chuyên gia mắt và HCDC khuyến cáo, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus (thường gặp là Adenovirus) là: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân (lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…).

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Tại trường học, cơ quan..., cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay.