Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sốc giá dầu từ vụ Ả Rập Saudi đến vào thời điểm "không thể tệ hơn" cho kinh tế thế giới

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một phân tích của IMF năm 2017 cho thấy một cú sốc giá dầu tăng hơn 10% có thể làm hao tổn sản lượng thế giới khoảng 0,1% trong vòng hai năm.

Mức tăng kỷ lục của giá dầu sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu Ả Rập Saudi đã đến vào thời điểm “không thể tồi tệ” hơn của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu áp lực giảm tốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung và nguồn cầu suy yếu.

Vụ tấn công đe dọa đình trệ 50% công suất sản xuất dầu của Ả Rập Saudi đã khiến thị trường dầu có phiên cao kỷ lục ngày 16/9.

 Giá dầu tăng mạnh sau vụ tấn công vào các cơ sở dầu ở Ả Rập Saudi.

Giới phân tích nhận định, việc giá vàng đen tăng vọt được cho là sẽ tạo nên những tác động khác nhau trên toàn thế giới. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác có nguy cơ dòng vốn tháo chạy và tiền tệ rớt giá. Trong khi các quốc gia xuất khẩu dầu hưởng lợi từ doanh thu của các công ty và chính phủ, các nước tiêu thụ dầu sẽ chịu chi phí cao hơn, dẫn đến khả năng lạm phát và giảm nguồn cầu. Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng do giá dầu thô tăng, trong khi nhiều nước châu Âu cũng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, lạm phát không phải là mối quan tâm hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu mà quan ngại lớn hơn là ảnh hưởng của cú sốc giá cả đối với nhu cầu toàn cầu vốn đã suy yếu.

Ông Louis Luijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Oxford Economic ở Hong Kong cho biết, sự thiếu hụt sản xuất và tăng giá sẽ bóp nghẹt sức mua, khiến người dân cân nhắc chi tiêu vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu vốn đã bấp bênh.

Một phân tích của IMF năm 2017 cho thấy, một cú sốc kỷ lục với nguồn cung dầu, khiến giá dầu tăng hơn 10% có thể làm hao tổn 0,1% sản lượng thế giới trong vòng hai năm.

Tin tức từ Ả Rập Saudi thúc đẩy đồn đoán rằng các ngân hàng T.Ư trên thế giới sẽ bơm thêm chính sách hỗ trợ tiền tệ bổ sung do dự đoán chi phí năng lượng cao hơn đối với người tiêu dùng, theo ông David Mann, nhà kinh tế trưởng của Standard Chartered tại Singapore.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất một lần nữa trong tuần này, ngay trước cuộc họp của Ngân hàng T.Ư Nhật Bản, vốn chịu áp lực từ các nhà đầu tư để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Các NHT.Ư của Brazil, Nam Phi, Na Uy, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh cũng sẽ ra quyết định chính sách mới trong tuần này.

Trong một gợi ý về cách các quan chức kinh tế mới nổi có thể phản ứng, Thống đốc NHT.Ư Philippines, ông Benjamin Diokno, cho biết cú sốc giá cả sẽ được đề cập trong cuộc họp các nhà hoạch định chính sách vào tuần tới trước khi đi đến quyết định lãi suất. Ngân hàng Indonesia có một cuộc họp chính sách dự kiến ​​vào ngày 19/9 tới, trong bối cảnh phần lớn các nhà kinh tế dự đoán nhà băng này sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất sau vụ tấn công ở Ả Rập Saudi.