Sóc Trăng: đại biểu HĐND kiến nghị giải pháp về việc thiếu nước sạch

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoth - Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh Sóc Trăng khoá X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về tình hình nước sạch địa bàn tỉnh vừa thiếu vừa không đảm bảo chất lượng.

Tại kỳ họp, vấn đề nước sạch được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Theo đại biểu Trần Khắc Tâm trong những năm gần đây, đô thị liên tục được quy hoạch mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, theo đó nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất cũng không ngừng tăng lên.

Đại biểu Trần Khắc Tâm chất vấn tại kỳ họp.
Đại biểu Trần Khắc Tâm chất vấn tại kỳ họp.

Tuy nhiên, việc khai thác, phân phối, sử dụng nước sạch đang trở thành vấn đề có nhiều tồn tại, thách thức, trở thành mối quan tâm của người dân. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, đa số người dân phản ánh rất nhiều về nước sạch, hiện nay nước chảy rất yếu, có nhiều cặn, đục, vào giờ cao điểm một số địa bàn không có nước để sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.

Do đó, đại biểu kiến nghị Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng tiếp tục thông tin, tuyên truyền việc sử dụng nước tiết kiệm, có kế hoạch dự trữ nước và sử dụng nước vào thời gian thấp điểm, khắc phục các sự cố rò rỉ nhằm tránh thất thoát nước. Đồng thời, có giải pháp nâng sản lượng nước cung cấp và áp lực nước tại các vị trí lưu lượng yếu, thường xuyên thiếu nước; giải pháp cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giải trình về một số vấn đề được đại biểu và cử tri đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giải trình về một số vấn đề được đại biểu và cử tri đặt ra.

Cử tri kiến nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nâng cấp công suất các trạm cấp nước hiện có để đảm bảo đủ nước sử dụng; có kế hoạch đầu tư, kéo mới các tuyến ống nước nơi đông dân cư và vùng nông thôn đảm bảo đủ cung cấp nước cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, kiểm tra thường xuyên chất lượng nước vì có nơi nước bị nhiễm phèn, không đảm bảo chất lượng.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý, vận hành 141 công trình cấp nước tập trung nông thôn, phục vụ cấp nước cho hơn 144.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã. Đến nay tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 63%, cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Nhu cầu mở mạng cung cấp nước sạch nông thôn hiện nay khá lớn nhưng dựa vào nguồn lực Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thì chưa đủ, mỗi năm đơn vị đầu tư mở rộng khoảng 50.000m đường ống, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Theo ông Nhã, tình hình nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài thời gian qua làm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt lưu lượng khai thác tại một số trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, có tổng cộng 39 trạm cấp nước tại các huyện Mỹ Tú, Trần Đề, Kế Sách, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm xảy ra tình trạng thiếu hụt lưu lượng khai thác.

"Để ứng phó với tình huống trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khẩn truơng hoàn thiện các thủ tục xin phép tăng lưu lượng khai thác cho 39 trạm cấp nước." - ông Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, việc cung ứng nước sinh hoạt là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành liên quan tập trung ưu tiên, sớm khắc phục những hạn chế, đảm bảo tốt nhất nước sinh hoạt cho người dân.

Để giải quyết tình trạng này, người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng đưa ra các giải pháp, như ưu tiên nâng công suất nhà máy cấp nước. Thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt, xử lý nghiêm nếu chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo.

Tỉnh cũng chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ giữa trung tâm, công ty cấp nước của tỉnh để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số khu vực. Lập đề án cấp nước đô thị, làm cơ sở đầu tư, kêu gọi đầu tư các nhà máy nước giai đoạn tới. Đối với vấn đề nước sạch nông thôn, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho biết cử tri phản ánh rất bức xúc, nhất là tình trạng thiếu nước sinh hoạt và chất lượng nước đôi lúc không đảm bảo vệ sinh.