Sớm luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh việc nhanh chóng tiếp tục thực hiện những biện pháp xử lý nợ xấu ngân hàng, các chuyên gia đề xuất sớm tổng kết, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa quy định pháp luật liên quan.

Các chuyên gia đề xuất sớm tổng kết, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu
Các chuyên gia đề xuất sớm tổng kết, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu

Nợ xấu nội bảng có thể lên 2%, kéo dài Nghị quyết 42 là cơ hội

Tại toạ đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, báo cáo của NHNN cho thấy, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) tại thời điểm 15/8/2017, và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); xử lý các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,7%).

Phó Tổng Giám đốc VAMC Đỗ Giang Nam cho biết, lũy kế từ khi thành lập đến nay, VAMC mua được khoảng 375.000 tỷ nợ xấu. Trong đó, riêng giai đoạn từ năm 2017 đến nay, tức giai đoạn Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC mua được khoảng 114.200 tỷ nợ xấu, đấy là mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Còn đối với mua nợ thị trường, VAMC mua được khoảng 11.822 tỷ đồng nợ theo giá trị thị trường.

Theo TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo năm nay nợ xấu nội bảng được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%. Lý do là bây giờ nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4%, nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 hết hiệu lực, và thông tư này nếu như không được gia hạn những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm, và nếu phải chuyển nhóm như thế đương nhiên nợ xấu sẽ tăng.

“Thực tế, thời gian đầu khi xử lý Nghị quyết 42, việc bàn giao, xử lý tài sản rất thuận lợi, nhưng nửa sau thực hiện thì phát sinh ra rất nhiều trường hợp như có tình tiết mới trong quá trình tranh tụng để không xử lý rút gọn được, không thể thu giữ được tài sản, khách hàng tìm mọi cách để không thể bàn giao tài sản bảo đảm cho các TCTD. Thậm chí VAMC cũng không làm được, mặc dù các cấp chính quyền vào cuộc rất quyết liệt” - ông Đỗ Giang Nam cho biết.

Việc Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến hết ngày 31/12/2023 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Việc kéo dài sẽ thực hiện ra sao? Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận, Nghị quyết 42 cho thấy một cách tiếp cận mới về môi trường thể chế. Theo đó, cần tháo gỡ những rườm rà, vướng mắc từ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh đầu tư...

Ví dụ như vấn đề giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, theo những báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có thời hạn để giải quyết một tranh chấp dân sự kinh tế rất dài. Như vậy làm giảm rất nhiều hiệu quả cho nền kinh tế và hiệu quả kinh doanh nói chung.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

“Nghị quyết 42 cho ta thấy một cách tiếp cận về môi trường thể chế, thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh đầu tư dân sự kinh tế nói chung. Đây là hai tác động tôi nghĩ nên bổ sung thêm so với những con số chúng ta nhìn thấy cụ thể theo các mục tiêu của Nghị quyết 42” - ông Phan Đức Hiếu bày tỏ.

Sớm luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nêu ý kiến, kéo dài để tạo ra một lộ trình làm sao để từ đó xem cần hoàn thiện những khuôn khổ pháp lý, để khi Nghị quyết 42 kết thúc thì có thể ban hành luật xử lý nợ xấu. Hay nói đúng hơn là cần phải hoàn thiện khung khổ pháp lý sau khi Nghị quyết 42 chấm dứt thí điểm. Trước mắt, ngành ngân hàng phải khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị quyết 42, những khó khăn, vướng mắc và những quy định pháp luật mà tự ngành ngân hàng có thể tự bổ sung sửa đổi rồi xem xét sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.

Ông Phan Đức Hiếu cũng đồng tình phải luật hóa thành một khung pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, và được thông qua bởi một trình tự thủ tục chặt chẽ nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên. “Về phạm vi, Nghị quyết cũng nói rất rõ, song song với việc rà soát Luật các TCTD, chúng ta cũng rà soát các pháp luật có liên quan, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản….”

 

Kết quả rà soát của NHNN càng sớm, việc hoàn thiện này càng có thuận lợi. Ví dụ, sắp tới một trong những nội dung tôi cho rằng có thể liên quan, Chính phủ cũng đang dự kiến sẽ trình Luật Kinh doanh bất động sản để sửa đổi trong kỳ họp tới. Nếu như chúng ta rà soát sớm kết quả, ngay lập tức có thể đưa vào sửa đổi ngay trong Luật Kinh doanh bất động sản mà chúng ta không cần phải để riêng ra ngoài, để đợi khung pháp lý riêng liên quan đến Luật Tổ chức, nợ xấu hay những khung pháp lý khác có liên quan như Luật Đất đai hay các khung pháp lý khác có liên quan.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Vũ Ngọc Lan cho biết, để giải quyết những vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu, trong Nghị quyết Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV ban hành mới đây, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ năm (diễn ra vào tháng 5/2023), nhằm tránh khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.

“Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội thì NHNN đã tích cực, chủ động trong việc rà soát sửa đổi luật tổ chức tín dụng cũng như Nghị quyết 42. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát Nghị quyết 42, song song với luật TCTD trong quá trình luật hoá. Trong đó, cũng bổ sung một số nội dung Nghị quyết 42. Ví dụ: Quyền sử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản; thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn”.

Đại diện Vụ Pháp chế NHNN nhấn mạnh, Nghị quyết 42 có liên quan đến rất nhiều luật như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tố tụng dân sự… Về quá trình triển khai, theo nguyên tắc của quá trình ban hành văn bản, phải lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Về quy trình, NHNN sẽ tuân thủ, sau khi xây dựng dự thảo thì NHNN sẽ lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành. Thời gian rất gấp, trong tháng 5/2023, NHNN phải trình Quốc hội dự thảo xin ý kiến đại biểu Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 nên thời gian rất ngắn. NHNN cũng rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các bộ ngành liên quan trong việc xây dựng luật.