Sớm qui hoạch vùng sản xuất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội hiện có trên 13.500ha diện tích cây ăn quả, trong đó có nhiều đặc sản nổi tiếng làm nên thương hiệu cho trái cây Thủ đô như: Cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đông Dư, nhãn muộn Đại Thành… Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Trồng tự phát, manh mún

Từ nhiều năm nay, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai được biết đến là vùng nhãn muộn nổi tiếng của Hà Nội. Thời điểm này, người dân đang bước vào chính vụ thu hoạch nhãn. Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Đại Tảo, xã Đại Thành cho biết: "Năm nay, nhãn được mùa nhưng giá bán chỉ 18.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm ngoái. Đáng lo là nhãn đến ngày thu hoạch, nhưng không chạy hàng, vì bây giờ mọi người đua nhau trồng nhãn". Theo UBND xã Đại Thành, toàn xã hiện có 70ha trồng nhãn muộn cho hiệu quả kinh tế cao, từ  130 - 135 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, cây nhãn còn phát triển tự phát, chưa có qui hoạch.

Hà Nội còn có hàng chục giống cây ăn quả chất lượng cao, trong đó nổi bật là giống bưởi Diễn, trồng chủ yếu ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm… Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt, tự phát giống cây trồng này đang phải chịu hệ lụy vì mất mùa trong mấy năm vừa qua. Ông Nguyễn Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết:  Những năm 2005 - 2007, bưởi Diễn cho nhiều trái, quả ngọt, hiệu quả cao nên bà con rất phấn khởi, diện tích trồng bưởi đạt 120ha, chiếm 50% diện tích đất nông nghiệp của xã. Tuy nhiên, do mất mùa liên tiếp nên đến nay, hơn 10% diện tích bưởi Diễn đã bị chặt bỏ.

Toàn thành phố hiện có trên 13.500ha diện tích cây ăn quả, chiếm 79% tổng diện tích cây lâu năm và gần 10% diện tích đất nông nghiệp. Trong đó chủ yếu là bưởi (hơn 2.400ha), chuối (hơn 2.100ha), nhãn (hơn 2.000ha)… Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, cây ăn quả còn phát triển manh mún, tự phát, xen tạp nhiều loại cây… Trong thời gian qua, Sở đã triển khai mô hình trồng cây ăn quả an toàn sinh học tại một số địa phương như chuối ở xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), đu đủ ở xã Thượng Mỗ (Đan Phượng), ổi Đông Dư (Gia Lâm)… Song diện tích và sản lượng còn rất hạn chế.

Thiếu qui hoạch tập trung

Theo thống kê, nhu cầu về trái cây của Hà Nội vào khoảng 960.000 tấn/năm trong khi năm 2010 tổng sản lượng cây ăn quả của thành phố mới đạt 165.547 tấn, đáp ứng được khoảng 17%. Do đó, việc phát triển các vùng trồng cây ăn quả sẽ cung cấp nguồn trái cây cho thị trường Hà Nội. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Huệ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng suy giảm do đô thị hóa như hiện nay, việc phát triển cây ăn quả đặc sản sẽ là hướng đi tốt cho nông nghiệp Thủ đô.

Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đã lựa chọn được 180 cây ăn quả đầu dòng làm cơ sở để nhân giống cho các địa phương. Tuy nhiên, để mở rộng vùng cây ăn quả, cần tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, giúp bà con nâng cao kỹ năng sản xuất. Đặc biệt, thành phố, huyện phải có qui hoạch vùng sản xuất tập trung, có chất lượng đồng đều để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả Thủ đô.

Tại buổi khảo sát một số mô hình cây ăn quả đặc sản trên địa bàn huyện Hoài Đức và Quốc Oai mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt nhấn mạnh, các địa phương có lợi thế phát triển cây ăn quả đặc sản cần qui hoạch vùng cụ thể. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hình thành vùng cây ăn quả hàng hóa. Phó Chủ tịch cũng cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ 100% cây giống, 50% phân bón trong vòng 2 - 3 năm đầu xây dựng mô hình để thúc đẩy mở rộng diện tích cây ăn quả trên địa bàn Thủ đô.

Sở NN&PTNT Hà Nội đang trình UBND TP phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu đến năm 2015, toàn thành phố sẽ có khoảng 16.400ha cây ăn quả các loại như: Bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ... với sản lượng quả đạt trên 280.000 tấn, gấp 1,7 lần hiện nay.