Sơn La nâng cao thu nhập của người dân từ trồng mận tam hoa
Kinhtedothi - Cây mận tam hoa không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động của TP Sơn La.
Cây mận từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La với trên 14.000 ha diện tích trồng mận. Trong đó, TP Sơn La hiện có 2.246 ha mận, trong đó có khoảng 1.000 ha mận tam hoa, với năng suất trung bình 8-10 tấn/ha, sản lượng gần 10.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, Hua La.
Mận tam hoa còn gọi là mận cơm, thường chín sớm hơn so với mận hậu, thời gian thu hoạch từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Cây mận tam hoa với đặc điểm quả nhỏ, khi xanh có vị chua thanh, khi chín chuyển sang màu đỏ đậm, vị ngọt mát, đã thực sự trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.

Nông dân TP Sơn La thu hái mận tam hoa.
Để nâng cao chất lượng mận tam hoa cũng như các loại cây trồng khác nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Thản, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La cho biết, hàng năm, TP đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận tam hoa. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã chủ động nước tưới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, cải tạo, góp phần tăng năng suất, chất lượng quả, đáp ứng ngày càng cao của thị trường. Người nông dân cũng tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chủ động tìm kiếm đối tác tiêu thụ, nhiều lao động địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định từ trồng mận.
Ông Lò Văn Bích (xã Chiềng Cọ, TP Sơn La) cho biết, nhờ cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mận tam hoa. Nhờ vườn mận xanh tốt, trĩu quả mà gia đình ông giờ đây có của ăn của để, không còn lo đói nghèo như trước.
Hộ gia đình bà Tòng Thị Thanh (bản Hùn, xã Chiềng Cọ) trước đây thuộc diện khó khăn, nhưng từ khi chuyển đổi cây trồng sang trồng cây mận tam hoa, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo. Với gần 2 ha mận tam hoa đã cho thu hoạch hơn 10 năm nay, năng suất ổn định khoảng 8 tấn/ha, cây mận tam hoa đã giúp kinh tế gia đình bà phát triển vững chắc.
Theo bà Thanh, để quả mận to đều, đẹp, sai quả, sau khi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở huyện Yên Châu, gia đình bà đã đầu tư hệ thống tưới tự động, rồi tỉa cành, bón phân chuồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, quả mận năm nay to, mọng nước, bán được giá cao hơn. Những ngày này, gia đình bà huy động 4 người trong gia đình và thuê thêm 6 lao động địa phương để kịp thu hoạch mận tam hoa. Từ đầu vụ đến nay, gia đình thu hoạch được khoảng 12 tấn quả, trừ chi phí thu khoảng 200 triệu đồng. Ngoài bán hàng trực tiếp cho các thương lái, gia đình kết hợp bán hàng trực tuyến qua các mạng xã hội facebook, zalo và thường xuyên đăng tải hình ảnh vườn mận chín trên trang facebook để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm hái quả tại vườn.
Xã Chiềng Cọ hiện có gần 800 ha mận, trong đó có 280 ha mận tam hoa. Với tổng sản lượng đạt khoảng 5.600 tấn quả/vụ, cuộc sống của người dân Chiềng Cọ ngày càng được nâng cao.
Xã Chiềng Đen (TP Sơn La) hiện có hơn 1.200 ha mận trồng xen canh với cây cà phê. Ngay từ đầu năm 2025, xã đã xây dựng kế hoạch, tích cực chỉ đạo, tuyên truyền nhân dân tập trung đầu tư phát triển, sản xuất nông nghiệp, trong đó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây mận.
Theo lãnh đạo xã Chiềng Đen, nhờ thời tiết, khí hậu thuận lợi nên sản lượng, chất lượng quả mận đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của thị trường, được thương lái đến thu mua với giá dao động từ 5.000-20.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng mận trên địa bàn xã có lãi từ 100-150 triệu đồng/năm, cuộc sống, thu nhập ngày càng ổn định.
Thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân TP Sơn La đã mạnh dạn từ bỏ những nương ngô, sắn năng suất thấp để bén duyên với cây mận tam hoa. Với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, đặc biệt là Hội Nông dân, bà con đã từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào từng khâu canh tác. Nhờ đó, cây mận tam hoa đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều gia đình.
Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn tích cực vận động Nhân dân đầu tư, mở rộng mô hình trồng, chăm sóc mận đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của quả mận Sơn La, giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng.

Một huyện ở Sơn La hoàn thành xoá 1.628 nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi - Huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã hoàn thành xóa 1.627/1.628 nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, xây mới 1.351 nhà, sửa chữa 276 nhà, 1 nhà không thực hiện do đã mua được nhà mới, đạt 100%.

Sơn La "xanh hóa" những vùng đất dốc
Kinhtedothi - Việc chuyển đổi từ cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên những vùng đất dốc đã giúp nhiều nông dân tại tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định.

Sơn La đầu tư các dự án phát triển nguồn năng lượng
Kinhtedothi - Nhằm theo kịp xu hướng phát triển bền vững, Sơn La đã chủ động đa dạng hóa nguồn năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, định hướng phát triển năng lượng quốc gia.