Sơn La "xanh hóa" những vùng đất dốc
Kinhtedothi - Việc chuyển đổi từ cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên những vùng đất dốc đã giúp nhiều nông dân tại tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định.
Sơn La hiện là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước, với các loại cây chủ lực như nhãn, xoài, mận hậu, bơ, thanh long, chanh leo... Chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc không chỉ góp phần chống xói mòn, sạt lở mà còn giải quyết bài toán sinh kế, tạo thu nhập ổn định và giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Chủ trương này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đưa ra tại Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015, xác định đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, cải thiện môi trường sinh thái và từng bước giảm diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc.
Tại huyện Mai Sơn, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tiêu biểu như gia đình ông Phùng Quang Mai (bản Mé Lếch, xã Cò Nòi), đã cải tạo khu đồi sau nhà rộng nửa hecta để trồng na theo hướng bài bản. Cây na được trồng đúng kỹ thuật, có hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi thay vì phân hóa học. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, sản phẩm na sầu riêng của gia đình ông Mai hiện được bao tiêu bởi các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội, Hải Phòng, mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Huyện Mai Sơn đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: DV
Không chỉ Cò Nòi, các xã Hát Lót, Nà Sản cũng rực rỡ màu xanh của xoài, nhãn, mận... Với hơn 11.200 ha cây ăn quả, sản lượng trên 90.000 tấn/năm, Mai Sơn là một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh. Thành công này là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương đến tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của người nông dân.
Tại xã Pi Toong, huyện Mường La, người dân đã cải tạo 350 ha vườn cây năng suất thấp sang trồng các giống chất lượng cao như xoài GL4, vải thiều, táo... Đồng thời, các hộ dân chủ động liên kết với hợp tác xã xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm quả tươi.
Xã Mường Bú - “vựa trái cây” của huyện Mường La - hiện có 1.600 ha cây ăn quả, sản lượng trên 11.500 tấn/năm. Đáng chú ý, trên 300 ha đã đạt chuẩn VietGAP, hơn 100 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Tại đây, nông dân đã thành lập 9 hợp tác xã trồng cây ăn quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, huyện Mường La đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân và cụ thể hóa bằng các kế hoạch phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng như phát triển trồng cây xoài, nhãn, chuối tại các xã Mường Bú, Tạ Bú, Pi Toong, Mường Chùm; cây sơn tra tại các xã vùng cao Ngọc Chiến, Chiềng Ân, Chiềng Công... Nhờ đó, chủ trương được Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, mở ra một cuộc “cách mạng xanh” tại địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Mường La đầu tư hơn 28,8 tỷ đồng trồng mới trên 700 ha cây ăn quả; hỗ trợ 7,2 tỷ đồng để cải tạo vườn, mua bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và phát triển sản phẩm OCOP. Toàn huyện hiện có 7.200 ha cây ăn quả các loại, tăng 4.850 ha so với năm 2015. Sản lượng đạt khoảng 33.000 tấn, tăng hơn 24.400 tấn so với năm 2015.
Để nâng cao chất lượng cây ăn quả, nông dân Mường La đã chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Toàn huyện có 3 ha nhà lưới, nhà kính; 25 ha cây trồng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Hình thành 12 chuỗi sản xuất, chế biến quả an toàn; 327 ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; 25 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 5 sản phẩm OCOP từ cây ăn quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, từ năm 2015 đến nay, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi, trồng mới gần 61.500 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh đạt 85.050 ha; sản lượng quả ước đạt 510.000 tấn. Có 218 mã số vùng trồng; 31 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu, trong đó có 14 sản phẩm quả đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; có 8 vùng ứng dụng công nghệ cao cho trồng trọt, trong đó có 4 vùng cây ăn quả; có 59 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Từ năm 2017 - 2025, đã xuất khẩu được 158.395 tấn quả trị giá 160.809 nghìn USD, xuất khẩu quả sang thị trường 15 nước…

Sơn La: mời gọi đầu tư dự án gần 2.400 tỷ đồng
Kinhtedothi - Dự án Khu đô thị dịch vụ cửa ngõ tại phường Vân Sơn, thị xã Mộc Châu vừa được UBND tỉnh Sơn La thông báo mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện.

Sơn La phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP
Kinhtedothi - Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Sơn La: đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp bách
Kinhtedothi - Ngày 10/4, UBND tỉnh Sơn La họp trực tuyến về tiến độ thực hiện các dự án bố trí dân cư và các dự án sử dụng nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2024.