Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơn La: tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ các sản phẩm OCOP

Hiền Lương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định uy tín ở thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo, triển khai chương trình.

Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP.

Cà phê Bích Thao của Hợp tác xã cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh.
Cà phê Bích Thao của Hợp tác xã cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh.

Thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Thuận Châu đã giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn; chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ chủ thể xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc… Đến nay, Thuận Châu có 8 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, góp phần tích cực chuyển đổi sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn và liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận và tham gia xuất khẩu, bước đầu khẳng định thương hiệu, như: trà Oolong Thu Đan, điểm du lịch Pha Đin Top, cá hun khói Chiềng La, cá rô phi lê sông Đà, chè Trọng Nguyên, mật ong Phổng Lái, thịt trâu gác bếp Hương Đồi…

Theo ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP; tổ chức các hoạt động quảng bá và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với thị trường.

Mường La là huyện có diện tích vùng trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La. Những năm qua, để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm đặc sản, chủ lực có giá trị kinh tế cao, gắn với thực hiện chương trình OCOP, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tăng thu nhập cho người nông dân.

Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Năm 2024, huyện Mường La có 62 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, duy trì phát triển 10 sản phẩm đạt OCOP.

Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo tính bền vững sản phẩm OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn cho người dân dân về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP; hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến hết năm 2024, thành phố Sơn La có 20 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, 1 sản phẩm OCOP 5 sao, tăng gấp đôi so với năm 2023. Các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Với văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái Sơn La, các sản phẩm thịt, cá hun khói, lạp sườn là đặc sản được ưa chuộng. Nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đã hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng tầm thành sản phẩm OCOP đặc sắc.

Thành phố Sơn La ngày càng có nhiều sản phẩm đang khẳng định được vị thế trên thị trường và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: cà phê bột nguyên chất của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao, nước mơ ngâm của Hợp tác xã Nông nghiệp Chiềng Sét, mật ong Hồ Sâm... Các hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.