Đất nước Triệu Voi còn có một vùng đất cực kỳ hấp dẫn với vẻ đẹp thanh bình và hoang sơ vốn chưa bị bàn tay con người tàn phá, đó là Champasak - thủ phủ miền Nam Lào.
Đáp chuyến bay của hãng hàng không Lao Airlines chỉ mất 1 giờ 30 phút bay từ TP Hồ Chí Minh là chúng tôi đã có mặt tại sân bay quốc tế Pakse, Champasak, Lào.
Cảm giác đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự nhỏ bé đơn sơ của sân bay này. Thường chỉ có vài chuyến bay (với những máy bay cỡ nhỏ) đáp xuống đây trong ngày. Vừa ra khỏi Pakse, chúng tôi đã vào ngay rừng già.
Chiếc xe đưa chúng tôi xuyên qua giữa đại ngàn xanh mướt, hiếm lắm mới có một chiếc xe đồng hành, hoặc ngược chiều. Suốt đường đi, thỉnh thoảng mới thấy một cụm dân cư nằm cách quốc lộ khá xa chứ không bám đường như ở nước ta.
Sau khi đi được nhiều nơi ở Champasak, tôi nhận ra, ở bất kỳ đâu, hễ cứ ra ngoài TP, thị trấn ở Lào là ta lập tức lọt vào rừng nguyên sinh. Có thể nói, tài nguyên rừng được người dân Lào bảo tồn rất tốt.
Từ Pakse, vượt 50km về phía Nam, đoàn chúng tôi đến đền Wat Phou, một quần thể các đền thờ của đế chế Khmer tọa lạc dưới chân núi Phou Kao (núi Voi). Wat Phou, tiếng Lào có nghĩa là “chùa trên núi”. Theo các nghiên cứu, Wat Phou là quần thể đền thờ có niên đại lâu đời nhất tại Lào. Ban đầu nơi đây là trung tâm của đạo Hindu và thờ thần Shiva. Về sau, kể từ thế kỷ thứ XIII khi Phật giáo trở thành quốc giáo của đất nước Triệu Voi thì Wat Phou được trùng tu và biến đổi thành chùa để thờ Phật. Wat Phou được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2001.
Sau chuyến thăm Wat Phou, chúng tôi ghé thăm thác Khone Phapheng, thác lớn nhất Đông Nam Á, nằm ở làng Thakho, huyện Muong Khong, cách TP Pakse khoảng 160 km. Khone Phapheng không cao nhưng đổ dài đến hơn 12km, nối hai bờ sông Mê Kông; nối tỉnh Champasak - bên này sông, với tỉnh Strung Treng (Campuchia) - bên kia sông. Ngoài thác Khone Phapheng Champasak còn có thác Tad Yuang, dẫu không lớn bằng Khone Phapheng nhưng cảnh quan cũng đẹp không kém. Nhìn chung, Champasak có thể được coi là thủ phủ của những ngọn thác đẹp và hùng vĩ giữa đại ngàn.
Ở Pakse nói riêng và Champasak nói chung, rất ít nhà cao tầng. Người dân đi xe bán tải là chính và xứ này vẫn là "văn minh xe hơi". Ghé qua chợ Pakse, ngôi chợ do bà Đào Hương, một doanh nhân Việt kiều thành công, xây dựng và người dân ở đây quen gọi là chợ Đào Hương. Chợ khang trang, có đủ các mặt hàng, phân từng khu và đặc biệt. Trong chợ, hàng hóa chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.
Ở Pakse, bạn có thể đi bộ dọc các con đường trong TP, khám phá, lắng nghe được nhiều điều. Lào là đất nước Phật giáo nên không lạ khi gặp rất nhiều chùa ở Champasak. Các ngôi chùa có mái uốn lượn, thếp vàng rực rỡ, được bao quanh bởi hàng trăm wats (tháp nhỏ chứa tro cốt người đã mất, được thân nhân gởi vào chùa), tạo thành những “hàng rào” với kiểu dáng đa dạng, trang trí nhiều màu sắc và kích thước khác nhau, rất độc đáo.
Người dân Lào có lối sống khá trầm lắng, không ồn ã, bon chen. Các nhà hàng, quán ăn mà chúng tôi vào đều có chung phong cách phục vụ từ tốn chậm rãi, dù khách có đông đến mấy vẫn cứ chu đáo, tươm tất. Ẩm thực của người Lào có 3 vị chính là cay, chua, ngọt với rất nhiều món lạ. Riêng ớt có đến hàng chục món và cay nồng. Món mà nhiều người trong đoàn chúng tôi nghiện nhất là gỏi đu đủ. Đu đủ xanh bào trộn với mắm cá sông và rất nhiều ớt, cay đến xé lưỡi và đậm đà vị mắm rất đặc trưng của đất Lào. Tất nhiên đến Lào không thể không kể đến thứ cơm nếp thơm phức, những ly bia Lào hương vị dịu dàng… Tất cả cho chúng ta một cảm giác bình yên, nhẹ nhõm thả mình với thiên nhiên.