Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sống chung nhưng không lơ là

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trên thế giới, chưa có nước nào tự tin có thể phòng, chống dịch Covid-19 tốt nhất. Các trường hợp nhiễm mới đều có xu hướng tăng lên từng ngày. Dự báo, mùa đông năm 2020 tương đối khốc liệt trong công tác phòng, chống dịch của các nước trên thế giới do chưa có vaccine điều trị”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo về việc quán triệt bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới tổ chức vào ngày 3/10 mới đây.

 Sống chung với dịch Covid-19 nhưng không lơ là. Ảnh minh họa
Tính đến sáng 3/10, thế giới ghi nhận gần 34,8 triệu người mắc Covid-19, trên 1 triệu người tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam trải qua 2 đợt chống dịch lớn vào tháng 3 và tháng 7/2020; hiện ghi nhận 1.096 người mắc và 35 người tử vong. Đến nay, 30 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng; 1.020 người được điều trị khỏi. Tuy nhiên, trong cuộc mới nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo các bộ, ban ngành và địa phương không được lơ là chủ quan, 3 việc phải làm ngay: Tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài; phối hợp chặt chẽ, chủ động ứng phó với dịch bệnh; xây dựng tiêu chuẩn an toàn trước diễn biến dịch bệnh.
Những biện pháp này được đưa ra khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vaccine điều trị. Trong khi đó ở Việt Nam, sau một thời gian tích cực chống dịch, mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế cũng được đặt ra. Và Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn. Chính vì thế việc xây dựng tiêu chuẩn an toàn trước yêu cầu sống chung an toàn với dịch bệnh cũng được đặt ra cấp thiết. Theo đó, “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19”(www.antoancovid.vn) vừa ra mắt vào 1/10, nhằm mục đích kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc. Bản đồ thể hiện công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ sở công cộng, nơi tập trung đông người. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đó chủ động xây dựng danh mục công việc cụ thể, đánh giá ở 3 mức độ (an toàn/có rủi ro/không an toàn) nhằm thực hiện phòng, chống dịch theo khung thời gian nhất định. Bản đồ được triển khai, nhân rộng đến các tận nhà máy, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng… Cùng với những biện pháp trên, những biện pháp phòng dịch như: Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người… tiếp tục là những khuyến cáo vẫn rất cần người dân tuân thủ nghiêm túc, không thể chủ quan, lơ là.

Chung sống để có thể phục hồi kinh tế - xã hội nhưng không chủ quan, mặc dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng có lẽ không thừa khi ở đâu đó tư tưởng chủ quan đang lấp ló xuất hiện.