Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóng lớn tỷ giá

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2024, tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ ra sao là điều mà các DN và người dân cùng quan tâm.

Tỷ giá đang đứng quanh mức 25.400 VND/USD. VND hiện đã mất giá khoảng 4,3% so với USD tính từ đầu năm và đang tiến gần tới mức đỉnh 4,6% được ghi nhận vào tháng 5.

Sức ép cả trong và ngoài, USD ngân hàng lên kịch trần

Ngày 20/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.285 VND/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá trần là 25.499 VND/USD; tỷ giá sàn là 23.070 VND/USD.

Kết phiên 20/11, tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 25.170 - 25.499 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng chiều mua và 8 đồng chiều bán so với phiên 19/11.

Hầu hết các ngân hàng thương mại niêm yết giá USD bán ra ở mức 25.499 VND/USD, kịch trần theo quy định của NHNN.

Những phiên gần đây, giá USD bán ra tại các ngân hàng luôn ở mức kịch trần. Tính chung, từ đầu năm 2024 đến nay, giá mỗi đô la Mỹ niêm yết tại các ngân hàng đã tăng khoảng 1.100 đồng, tức là tăng khoảng hơn 4,3% so với giá ban đầu. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 10 và tháng 11, tiền đồng đã mất hơn 3% giá trị so với USD.

Trên thị trường tự do giá USD cũng biến động mạnh. Giá USD trên thị trường tự do được mua - bán tại mức 25.700 - 25.800 VND/USD.

Giao dịch ngoại tệ tại Chi nhánh Agribank Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giao dịch ngoại tệ tại Chi nhánh Agribank Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo các chuyên gia, tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian qua đến từ cả yếu tố bên ngoài lẫn yếu tố nội tại. Trước hết, nhìn ra thị trường quốc tế, khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất cao trong thời gian dài, khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, trong đó có VND.

USD-Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng vọt lên gần 107 điểm trong tuần qua, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2023. Hiện chỉ số này tiếp tục duy trì ở mức cao và đang xoay quanh 106,6 điểm.

“2 tuần qua nhà đầu tư còn hưng phấn thêm về việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống đắc cử Mỹ. Tâm lý đó đã thúc chỉ số USD-Index từ mức 104 điểm nhảy vọt lên 107 điểm chỉ trong vòng 2 tuần. Nhu cầu cao đẩy giá trị đồng bạc xanh đi lên, tác động đến đồng tiền của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam” - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Trong khi đó, tình hình kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới bước vào giai đoạn suy thoái đã khiến nhà đầu tư tìm đến với USD như là kênh trú ẩn tài sản an toàn. Theo chu kỳ của nền kinh tế Việt Nam, thông thường quý cuối năm, lượng nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất lẫn tiêu dùng cao hơn nên nhu cầu về USD cũng gia tăng.

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty CP Dữ liệu Kinh tế Tài chính Wigroup Trần Ngọc Báu, ngoài việc bị tác động từ thị trường thế giới, tỷ giá USD/VND trong nước tăng nhanh trong thời gian gần đây không ngoại trừ có yếu tố đầu cơ. Giá USD tại các ngân hàng thường xuyên ở mức giao dịch kịch trần theo tỷ giá trung tâm mà NHNN công bố. Trong khi đó, nhu cầu về ngoại tệ này có tăng dịp cuối năm nhưng chưa thật sự phải ở mức đột biến để xảy ra hiện tượng tỷ giá tăng nhanh.

"Với việc nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tăng là có thật, xu hướng đồng USD mạnh lên trên toàn cầu kết hợp với tâm lý găm giữ USD đã kích hoạt tỷ giá USD/VND trong nước biến động mạnh thời gian gần đây”- ông Trần Ngọc Báu nói.

Tỷ giá còn chịu nhiều áp lực

Hiện tại, tỷ giá đang tăng trở lại và dù chưa vượt đỉnh cũ, nhưng được dự báo có thể trở lại mức đỉnh cũ và giao dịch quanh vùng này.

Gần đây NHNN đã hút ròng trở lại qua kênh tín phiếu. Đây cũng là lần đầu tiên việc hút tiền bằng công cụ tín phiếu được kích hoạt trở lại sau hơn 5 tháng không sử dụng. Đây là một trong các giải pháp để cơ quan điều hành kiểm soát tỷ giá, hạn chế đầu cơ.

Việc kiểm soát tỷ giá cũng ảnh hưởng đến lãi suất liên ngân hàng, khi áp lực tăng lãi suất huy động ngày càng cao. Mặc dù xu hướng của các quốc gia hiện nay là giảm lãi suất điều hành, nhưng tốc độ giảm còn chậm và còn chịu nhiều tác động phức tạp.

“Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn chưa chấm dứt nên đồng bạc xanh vẫn duy trì ở mức cao cho đến hết năm. Điều đó sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá USD/VND” - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm. Các chính sách của ông Trump về hạn chế nhập cư bất hợp pháp, ban hành thuế quan mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và cả lạm phát, làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và gia tăng sức mạnh cho đồng USD.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, ở thời điểm hiện tại, rất khó dự báo về xu hướng của đồng bạc xanh bởi các chính sách kinh tế, chính trị của Mỹ sẽ có nhiều thay đổi khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Song áp lực tỷ giá cũng vẫn sẽ tăng cao trong tháng 11 này. Thậm chí cao điểm, đồng VND có thể mất giá 5%, tỷ giá sẽ tiệm cận mức 26.000 đồng/USD.

“Nếu tỷ giá vượt qua biên độ cho phép vào một thời điểm nào đó từ giờ đến cuối năm. NHNN sẽ bán USD để kéo tỷ giá về mức mong muốn. Quy mô của dự trữ ngoại hối đủ nhiều để thực hiện động thái chính sách này. Sau đó áp lực sẽ giảm dần do dòng kiều hối chảy về trong nước khi cận kề Tết dương lịch và Nguyên đán” - TS. Nguyễn Hoàng Nam Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Đại Nam, nhận định.

Doanh nghiệp thêm gánh nặng

Tỷ giá tăng đã bồi thêm khó khăn với DN xuất nhập khẩu. Theo Giám đốc một DN dệt may lớn, nguyên liệu nhập khẩu tại công ty ông chiếm tới 40%, cộng hưởng chi phí logistics tăng 3 - 4 lần. Giám đốc một DN thép cũng cho biết, mỗi năm, ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD nguyên vật liệu, trong khi xuất khẩu chỉ khoảng 1,4 tỷ USD. Tỷ giá tăng khiến giá thành sản xuất tăng mạnh, trong khi giá bán không thể tăng tương xứng do nhu cầu của thị trường vẫn còn yếu.

Không chỉ các DN phải nhập khẩu nhiều hoặc vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm mà ngay cả các DN xuất khẩu cũng không được hưởng nhiều lợi ích khi tỷ giá tăng.

“Trong ngắn hạn, DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, tuy nhiên, về lâu dài, điều này không tốt do phần lớn máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu đều phải nhập khẩu, nên khi tỷ giá tăng cũng sẽ đẩy giá nguyên vật liệu tăng” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Việt Nam Bùi Tiến Vinh chia sẻ.

Chưa kể, nhiều DN lo ngại, giá USD liên tục tăng trong thời gian tới sẽ khiến tiền đồng mất giá, lạm phát tăng cao. Người dân sẽ thắt chặt chi tiêu khiến sức mua trên thị trường giảm, DN càng khó khăn.

Bối cảnh tỷ giá tăng đòi hỏi cơ quan chức năng cũng như các DN cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả để giữ vững sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp sức ổn định kinh tế vĩ mô.

CTCK Mirae Asset gợi ý rằng NHNN cần tìm kiếm các biện pháp bổ sung để ổn định thanh khoản thị trường ngoại hối mà không làm suy giảm dự trữ ngoại hối. Một số giải pháp như tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại lớn để đa dạng hóa nguồn ngoại tệ, đồng thời điều chỉnh chính sách lãi suất nhằm giảm tác động của tỷ giá lên lạm phát nhập khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ có thể cân nhắc các chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu nhằm tăng nguồn cung ngoại tệ hoặc giảm các chi phí không cần thiết trong nhập khẩu để bảo vệ DN trong nước. Với các DN, việc chuyển đổi hợp đồng mua bán sang đồng VND hoặc sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn là các biện pháp khả thi để giảm thiểu tác động từ biến động tỷ giá.

 

Chính phủ và các bộ ngành, cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá. Về phía DN, để giảm thiểu rủi ro khi tỷ giá biến động, nên đẩy mạnh quản lý rủi ro tỷ giá, sử dụng các công cụ phòng ngừa như hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn; đa dạng hóa nguồn cung… Đồng thời, DN cũng nên chủ động điều chỉnh kế hoạch tài chính để giảm phụ thuộc vào USD và tận dụng lợi thế từ tỷ giá trong hoạt động kinh doanh.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Huỳnh Trung Minh