Đồng loạt các biện pháp trinh sát, xử lý vi phạm và kiến nghị công tác phòng ngừa, trong gần 1 năm qua, hơn 170 vụ việc vi phạm khai thác cát đã bị CATP Hà Nội phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính số tiền hơn 3 tỷ đồng. Từ 12 tổ chức pháp nhân được cấp có thẩm quyền cấp phép nạo vét tận thu, khai thác cát, hiện đã giảm còn 6, do không đáp ứng yêu cầu hoặc bị phát hiện vi phạm trong quá trình khai thác, nạo vét tận thu tài nguyên.
Một điểm nóngSông Hồng, vùng giáp ranh Ba Vì (Hà Nội) và Phú Thọ là một trong những điểm nóng của hoạt động khai thác cát, cả có phép lẫn không phép. Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một trận đánh đã được Cục Cảnh sát đường thủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp cùng Cảnh sát đường thủy, Công an Hà Nội triển khai.
Tâm điểm của trận đánh đêm ấy là khu vực khai thác cát của Công ty CP Quảng Tây (Công ty Quảng Tây). Đây là một doanh nghiệp “có tiếng” ở Ba Vì, được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác cát từ năm 2015. Theo đó, Công ty Quảng Tây được phép khai thác cát san lấp tại khu vực bãi bồi Vân Hồng, thị trấn Tây Đằng, bằng phương pháp lộ thiên (dùng máy xúc), với diện tích khai thác 20ha, mức sâu 6,5m, trữ lượng 1,039 triệu m3 trong thời hạn 10 năm. Trong đó, doanh nghiệp có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ và 1 năm phục hồi môi trường.
Tuy nhiên, trong trận đánh đêm cuối tháng 3, tại bãi bồi Vân Hồng, thời điểm ấy, lực lượng chức năng bắt quả tang 4 tàu cuốc đang khai thác cùng 7 tàu chở cát đang lấy cát từ tàu cuốc để vận chuyển đi. Trước đó nhiều tháng, trinh sát đã tổ chức nắm tình hình, xác định Công ty Quảng Tây không được phép dùng tàu cuốc để hút cát. Hành vi này chỉ tạm dừng thời gian ngắn, khi giá cát trên thị trường giảm.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, 1 tàu cuốc có thể khai thác 200m3 cát/giờ và với 4 phương tiện này khai thác 24/24 giờ, giá bán tại tàu là 60.000đồng/m3, thì mỗi ngày doanh nghiệp thu về số tiền cực kỳ lớn. Điều đáng nói là, cũng với công suất trên, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp đã có thể khai thác trữ lượng hơn 1 triệu m3 như trong giấy phép. Chưa hết, theo vị trí được cấp phép thì Công ty Quảng Tây không được khai thác ở khu vực bị bắt quả tang. Điều này đã được cơ quan chức năng làm sáng tỏ thêm bằng kết quả định vị của Cục Địa chất, khoáng sản.
Siêu lợi nhuận
Cũng khoảng thời điểm này, cách đây 3 năm, Công an Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên, quyết liệt đấu tranh, làm rõ và truy tố trước pháp luật một nhóm đối tượng về hành vi khai thác cát trái phép.
CQĐT CATP Hà Nội tống đạt quyết định khởi tố Phạm Thị Nguyệt Nga - Giám đốc Công ty Anh Tùng, tháng 11-2016 |
Có 8 đối tượng bị khởi tố về tội danh vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên (điều 172 - BLHS), trong đó đáng chú ý là Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1975), chủ bãi khai thác và tiêu thụ cát Hải Yến, tại khu vực xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín; Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1977), chủ bãi khai thác và tiêu thụ cát Huyền Hậu, tại khu vực xã Vạn Điểm; cùng 6 bị can là chủ phương tiện khai thác cát.
Quá trình điều tra, CQĐT CATP Hà Nội tạm giữ 10 phương tiện, nhưng chỉ có 2 phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký và 1 Giấy chứng nhận… đang thế chấp ngân hàng. Đáng chú ý, cả 10 chủ phương tiện đều không có bằng thuyền trưởng.
Từ năm 2012 đến khi bị phát hiện (tháng 1-2014), các chủ tàu trên đều khai thác cát trái phép trên lòng sông Hồng và bán cát cho 2 chủ bến bãi Hải Yến và Huyền Hậu. Lời khai của các đối tượng thể hiện, bình quân giá bán cát là 13.000 đồng/m3. Từ tháng 3-2012 đến 1-2014, các tài liệu lưu giữ thể hiện đối tượng Yến đã thu mua của 7 chủ tàu hút cát với tổng khối lượng gần 66.000m3, trị giá trên dưới 2 tỷ đồng.
Tương tự như vậy đối với điểm khai thác, tiêu thụ cát tại bãi Huyền Hậu, CQĐT xác định từ tháng 3-2012 đến 1-2014, Huyền đã thu mua cát của 5 chủ tàu hút cát với tổng khối lượng gần 24.000m3 cát đen.
Cơ quan chức năng sau đó có kết luận giám định tổng khối lượng cát đen của 2 bãi Hải Yến và Huyền Hậu là gần 110.000m3; với giá trị hơn 4,6 tỷ đồng. Xác minh tại Sở TN-MT, Sở NN&PTNT Hà Nội, cùng huyện Thường Tín và xã Thống Nhất, CQĐT được biết, các cơ quan này không cấp phép cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào khai thác cát trên lòng sông Hồng.
Vụ án Hải Yến và Huyền Hậu vừa lắng xuống một thời gian, thì “bà trùm” khai thác cát trái phép khác đã bị CQĐT CATP Hà Nội xử lý. Đó là Phạm Thị Nguyệt Nga (SN 1960 - Giám đốc công ty TNHH thương mại và xây dựng Anh Tùng), trú tại ngõ 462 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội. Bà Nga cũng bị CQĐT khởi tố theo điều 172 - BLHS. Kết quả điều tra ban đầu xác định: Công ty Anh Tùng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 8-2000 và thay đổi lần thứ 11 vào tháng 5-2014, với 28 ngành nghề đăng ký kinh doanh, trong đó có khai thác cát, sỏi và hoạt động nạo vét lòng sông.
Với những tấm “bùa hộ mệnh” được cấp, Công ty Anh Tùng đã làm liều. Căn cứ vào các tài liệu sổ sách thu giữ của Công ty Anh Tùng, lời khai của Phạm Thị Nguyệt Nga và của nhân viên Công ty Anh Tùng… cơ quan chức năng xác định vị trí các phương tiện khai thác cát của Công ty Anh Tùng từ ngày 17-1-2015 đến ngày 14-4-2015 không đúng vị trí nạo vét như trong Giấy phép khai thác do UBND TP Hà Nội cấp.
Mặt khác, mặc dù chưa được cơ quan chức năng bàn giao vị trí mặt bằng dự án nạo vét, tận thu sản phẩm nhưng từ ngày 17-1-2015 đến ngày 13-4-2015, bà Nga đã chỉ đạo bộ máy hoạt động chính của công ty vận hành việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, có dấu hiệu vi phạm.
Thống kê bước đầu khối lượng cát mà bà Nga đã chỉ đạo thuê tàu cuốc, tàu hút tiến hành khai thác cát không đúng vị trí đã được cấp phép trên sông Hồng, từ ngày 17-1-2015 đến ngày 14-4-2015, là gần 836.000m3. Trong đó, khối lượng cát khách hàng đã nhận và thanh toán là hơn 450.000m3; khối lượng cát khách hàng chưa nhận, thanh toán là hơn 385.000m3. Số tiền bán cát mà Phạm Thị Nguyệt Nga thu được là gần 4,7 tỷ đồng…