Sóng và máy tính cho em

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, 26/63 tỉnh, thành đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm ngày 12/9 có khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp học sinh đang học trực tuyến.

Làm bố, làm mẹ ai cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho các con đầu năm học, nhưng do giãn cách xã hội, phải chạy ăn từng bữa nên nhiều gia đình đành chấp nhận “học chay”. Hiện có khoảng 1,5 triệu học sinh (chiếm 20,4%) chưa có máy tính để học trực tuyến.
Các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa như Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng Internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến… Không chỉ vậy, ngay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng lâm vào tình trạng này. TP Hồ Chí Minh cũng còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; chắc chắn Thủ đô Hà Nội cũng không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không thể mua nổi máy tính, điện thoại cho con đi học trực tuyến.

Dịch thì các con không thể đến trường đi học, muốn học trực tuyến thì không có thiết bị, đó thực sự đã và đang là vấn đề đau đầu của không ít bậc làm cha, làm mẹ chúng tôi. Nhiều bậc cha mẹ đã thắt lòng khi con cái ngày nào cũng tủi thân hỏi: “Cô nhắc con sao mà không chịu vào zoom để học bài cùng các bạn”. Nhìn ánh mắt thèm học của con cái khi các bạn láng giềng say sưa học online, bố mẹ chúng tôi chỉ còn biết tự trách thân, trách phận.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: "Nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Tôi được biết, để thực hiện được chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, nhiều cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn mang sách vở, dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con nên các cháu cũng không học trực tuyến được, thua thiệt, tủi thân với bạn bè".

Để cho con em các gia đình khó khăn được học hành cùng với bạn bè, cần có “sóng” và “máy”. Nhiều vùng lõm, sóng Internet phập phù việc học hành bị gián đoạn, lâm vào cảnh “tiếng cô vang cả lớp, sao không ai trả lời”. Để giải quyết việc học cho 1,5 triệu học sinh còn lại, phải cần 3 điều kiện. Thứ nhất là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; thứ hai là có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; thứ ba là có giá cước phù hợp cho các máy tính này. Được biết, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 9 và trên toàn quốc trong năm 2021.

Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là 2.502,1 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các DN. Như vậy, chúng ta chỉ còn thiếu độ 0,5 triệu máy tính nữa và việc cấp bách lúc này là làm sao sớm chuyển 1 triệu máy tính đến đúng các địa chỉ, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang loay hoay hơn nửa tháng nay với việc làm thế nào để học trực tuyến.