Sốt cao 4 ngày không khỏi, phát hiện nam thanh niên nhiễm khuẩn huyết Burkholderia Cepacia

Thu Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhập viện vì sốt cao liên tục 4 ngày không khỏi, chàng trai phát hiện mình mắc bệnh hiếm gặp và được cứu sống kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Mối nguy hiểm khôn lường

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vừa phát hiện và điều trị thành công ca bệnh hiếm gặp: Nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia Cepacia (B.Cepacia) ở bệnh nhân nam H.T.T., 24 tuổi, sống tại Thanh Xuân, Hà Nội.

Vi khuẩn Burkholderia Cepacia
Vi khuẩn Burkholderia Cepacia

Anh T., nhập viện với tình trạng sốt nóng từng cơn, sốt cao liên tục, cao nhất sốt hơn 40 độ C, kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ khớp. Trong 4 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân ở nhà đã uống hạ sốt và oresol nhưng không đỡ.

ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân - Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là bác sĩ phụ trách của bệnh nhân trong quá trình nhập viện điều trị nội trú. Anh T. chỉ biểu hiện như một trường hợp sốt do virus thông thường, bạch cầu máu bình thường, chỉ số CRP tăng nhẹ, Procalcitonin tăng nhẹ, nếu không theo dõi các chỉ số rất dễ bỏ sót nguyên nhân sốt do nhiễm khuẩn huyết.

Chẩn đoán xác định bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do B.Cepacia, bác sĩ đã điều trị kháng sinh phối hợp theo kháng sinh đồ, kết hợp bù dịch điện giải và hạ sốt. Anh H.T.T. được ra viện sau 10 ngày điều trị, khi tái khám trở lại, các chỉ số BC (chỉ số đánh giá nguy cơ suy giảm miễn dịch), CRP (chỉ số đánh giá tình trạng sức khỏe của mỗi người: bình thường hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm)... đã trở về ngưỡng bình thường.

Mối nguy hiểm khôn lường của chủng vi khuẩn Burkholderia Cepacia

Theo Ths.BS Nguyễn Quỳnh Xuân: “Vi khuẩn B.Cepacia là một nhóm vi khuẩn phức tạp được tìm thấy nhiều trong đất và nước. Đây là vi khuẩn gram âm với hơn 20 chủng loài khác nhau. Đây là loại vi khuẩn hiếm khí và sinh trưởng bằng cách chuyển hoá năng lượng từ việc oxy hóa carbohydrate. Chủng vi khuẩn B.Cepacia là một trong những tác nhân của bệnh cơ hội tại phổi khi hệ thống miễn dịch suy yếu. Ngoài ra, các bệnh nhân bị bệnh hồng cầu lưỡi liềm cũng là đối tượng tấn công, gây bệnh của chúng”.

Sốt cao, liên tục là triệu chứng thường gặp của nhiễm khuẩn huyết.
Sốt cao, liên tục là triệu chứng thường gặp của nhiễm khuẩn huyết.

Điều đặc biệt, loại vi khuẩn này đi vào cơ thể qua vết thương. Chúng có trong đất, nước, không khí... môi trường ẩm, khi vào cơ thể người khiến hệ miễn dịch suy giảm gây nhiễm khuẩn huyết.

Mọi lứa tuổi, mọi giới đều có thể mắc bệnh, nhưng thường gặp ở các cơ thể suy giảm miễn dịch. Loại vi khuẩn này có thể lây nhiễm từ người sang người, đặc biệt dễ lây lan ở các môi trường công cộng như bệnh viện, phòng khám… Biểu hiện của bệnh đa dạng vì quá trình phát triển bệnh phụ thuộc vào mầm bệnh, cũng như đáp ứng của từng cơ thể người bệnh. Khi bệnh tiến triển nặng, nếu không được điều trị thì không tự khỏi. Do đó, việc phát hiện và cách ly sớm những người nhiễm trùng vi khuẩn B.Cepacia là điều vô cùng quan trọng.

Khi có thể nhiễm loại vi khuẩn này sẽ có biểu hiện sốt, thường sốt cao, dao động mạnh, có khi liên tục. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: da xanh tái, phớt vàng, mặt hốc hác, tình trạng nhiễm vi khuẩn biểu hiện lâm sàng qua khuôn mặt có thể thấy rõ, ở da thường thấy có ban do những hạt mầm nhiễm khuẩn theo máu đưa tới gây nên bệnh. Ở các mức độ bệnh khác nhau, người nhiễm có biểu biểu hiện mệt mỏi, li bì, lơ mơ hoặc vật vã kích thích, nặng nhất là hôn mê…

Ngoài ra, tùy vào mức độ mà nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra sốc nhiễm khuẩn, với tỷ lệ tử vong tăng đáng kể do bất thường nguy hiểm của tuần hoàn và/hoặc chuyển hóa tế bào, từ đó hoại tử đến các cơ quan nội tạng như tim, phổi, gan, suy thận, suy hô hấp… Đặc biệt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy kiệt dần và tử vong.

Cách phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia Cepacia

 

Vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
Vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

Qua trường hợp của bệnh nhân T., bác sĩ Xuân khuyến cáo tới người dân cách phòng tránh bệnh, cần đảm bảo nguồn nước sử dụng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Sau khi tiếp xúc với đất cát phải vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt nếu có vết thương hở.

Ngoài ra, cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách luyện tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống hợp lý. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý gây giảm miễn dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần