Sốt xuất huyết ở Hà Nội tiến dần đến đỉnh dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội đã vượt ngưỡng dự báo, tiến dần đến đỉnh dịch, nhiều ca nặng. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng do đang trong cao điểm mùa dịch. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ  ngày 28/10 đến 4/11), Hà Nội đã ghi nhận 1.312 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 8,9% so với tuần trước đó). Một số quận, huyện có số ca mắc cao là: Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là D1 và D2 và D4.

Ngoài ra, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện: Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1).

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng chống  sốt xuất huyết tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng chống  sốt xuất huyết tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện.

Theo dự báo của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi đang trong cao điểm mùa dịch. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng mệt li bì hoặc bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không đi tiểu trên 6 giờ... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hoạt động chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát phát hiện ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng do phát hiện bệnh muộn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Kiểm tra dụng cụ chứa nước, nguy cơ muỗi đẻ trứng gây dịch bệnh sốt xuất huyết.
Kiểm tra dụng cụ chứa nước, nguy cơ muỗi đẻ trứng gây dịch bệnh sốt xuất huyết.

Chuyên gia cũng lưu ý, tại các địa phương, cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành Y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.

Khó phân biệt giữa sốt xuất huyết, cúm B và Covid-19

Hiện nay, cùng với dịch sốt xuất huyết, cúm B vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến nhiều người lo lắng.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm TS Bùi Thị Thu Hoài - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E, hiện nay không chỉ cúm B, sốt xuất huyết mà cả Covid-19 vẫn lưu hành song song với nhau. Các triệu chứng của những căn bệnh này đều có các biểu hiện gần giống nhau như sốt, viêm long đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng), cảm giác ớn lạnh, đau mỏi người… Cả 3 căn bệnh này đều có các triệu chứng không đặc trưng như vậy…. Do vậy với bệnh nhân thông thường rất khó nhận biết.

Với các bác sĩ có những trường hợp phải làm xét nghiệm mới nhận biết được. Tuy nhiên, mỗi bệnh cũng có những đặc trưng riêng như sốt xuất huyết với người trẻ tuổi thường sốt cao 39 - 40 độ C, người già sốt có thể nhiệt độ thấp hơn. Thời gian sốt của bệnh sốt xuất huyết thường dài có trường hợp sốt 5 - 7 ngày. Với cúm, thời gian sốt ngắn hơn từ 3 - 5 ngày, nhiệt độ có thể sốt cao liên tục 39 - 40 độ C.

Lực lượng thanh niên xung kích xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ tham gia điệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.
Lực lượng thanh niên xung kích xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ tham gia điệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Cúm B cũng như các loại virus khác có thể tự khỏi nếu thể trạng tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên, nếu là cúm đa phần bệnh nhân sẽ đau mỏi người nhiều, nhiều trường hợp cho biết đau người hơn bị Covid-19. Còn sốt xuất huyết thường đau người, mệt lả, li bì.

Đặc trưng của cúm là có kèm theo viêm long đường hô hấp. Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết cũng bị viêm long đường hô hấp, nguyên nhân là do người bệnh đồng thời mắc cả sốt xuất huyết và viêm đường hô hấp trên, hoặc đồng thời mắc virus cúm.

Do vậy, TS Bùi Thị Thu Hoài khuyến cáo, người dân khi có các dấu hiệu sốt, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp, ớn lạnh nên đi làm xét nghiệm cho chắc chắn. Việc dựa vào các triệu chứng nhiều khi không đặc hiệu. Một số bệnh nhân đợi 5, 6 ngày xem có phát ban để biết chính xác là sốt xuất huyết hay không thì sẽ chuẩn đoán và điều trị muộn.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong thời điểm xuất hiện cả cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, Covid-19, người dân có biểu hiện sốt, mệt mỏi cần tới cơ sở y tế kiểm tra, xét nghiệm được hướng dẫn theo dõi sát sao.

“Với sốt xuất huyết, nếu không có các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi tại nhà, nhập viện ngay khi có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, khi người bệnh tự nhiên bồn chồn, hoặc li bì, nôn, đau bụng hoặc tăng cảm giác đau, tiểu ít, xuất hiện dấu hiệu chảy máu bất kỳ chỗ nào như chân răng, mũi... cần nhập viện ngay" - bác sĩ Trần Văn Bắc lưu ý.

Người dân không nên chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Người dân không nên chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo chuyên gia, với bệnh nhân cúm dù qua giai đoạn sốt có thể ho kéo dài, tức ngực, khó thở, viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, tim mạch, nhiễm khuẩn huyết… những trường hợp nặng rất khó cho quá trình điều trị sau này. Đặc biệt với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh về hô hấp như hen phế quản, COPD, lao phổi cũ nếu bị cúm bệnh sẽ dễ trở nặng hơn… Do vậy, cần thăm khám, phát hiện sớm.

Các chuyên gia lưu ý, việc thăm khám, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Có nhiều gia đình một người mắc sau đó lây lan cho cả các thành viên khác, nếu bệnh nhân được thăm khám, phát hiện sớm để có thuốc điều trị và các biện pháp dự phòng sớm sẽ ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh.

 

Với dịch bệnh sốt xuất huyết, giải pháp quan trọng nhất là công tác tổng vệ sinh môi trường, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, để có những phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng.

Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương vào cuộc phòng, chống dịch SXH tương tự như dịch Covid-19. Với các trường học, cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng, chống dịch trong trường học.

Để người dân không nên chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần