Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự áp đặt diễn ra trong gia đình, nhà trường và xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trên một chiếc tàu thủy có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”. Có đến 3/4 học sinh lớp 2 được hỏi có đáp án sai. Tất nhiên rồi. Bởi bài toán thiếu dữ liệu. Điều này cho thấy hiện nay học sinh tư duy máy móc, không dám đặt ra nghi vấn về một vấn đề nào đó.

"Chúng ta đang đào tạo những bộ óc!"

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: "Suy nghĩ của học sinh vẫn còn thụ động, các em chưa trải qua những đề thi ra sai và chưa biết rằng đề thi ra sai là chuyện bình thường".

Trong khi ấy, GS Nguyễn Lân Dũng - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học và Giáo dục nhận định: "Đây không phải là vấn đề của riêng các em học sinh lớp 2. Các em thường gắn với kiến thức sách vở, nên ít động não. Chúng ta đang đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những bộ sách. Đừng nhét kiến thức vào đầu các em mà phải cung cấp kiến thức để các em động não tốt hơn".

Điều GS Lân Dũng nói hoàn toàn có lý khi một cuộc khảo sát 108 người với chủ đề “Giáo dục con trẻ, liệu chúng ta có đang áp đặt?", được thực hiện bởi ê kíp làm chương trình Chuyện đương thời của VTV6 cho kết quả đáng kinh ngạc. Có đến 79% số người được hỏi cho biết không bao giờ dạy cho trẻ đặt câu hỏi vì sao trước một hiện tượng; 55% không bao giờ dạy trẻ tự nói lên chính kiến của mình trước một vấn đề; 77% cho rằng cách dạy áp đặt hiện nay khiến trẻ mất đi khả năng sáng tạo và tư duy độc lập; 58% cho biết Ngữ văn là môn học áp đặt nhiều nhất. Thậm chí có đến 98% cho rằng cách giáo dục của các nhà trường hiện nay vô cùng nặng nề.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Với những con số trên, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: Trẻ em không phát huy được trí tuệ và sự chủ động là điều dễ hiểu vì số lượng học sinh trong mỗi lớp khá đông so với thời kỳ của ông đi học. "Ngôi trường online" là giải pháp được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra và được thực nghiệm ở Dự án giáo dục Viettel Study. "Các giáo viên giỏi nhất cả nước ở từng môn học sẽ chia sẻ kiến thức một cách dễ hiểu và sinh động trong các clip bài giảng, kèm theo đó là các tài liệu tham khảo, bài tập thực hành và kiểm tra… bám sát chương trình học và đầy đủ các dạng bài then chốt. Như vậy, dù ở bất kì đâu, bất kì nơi nào trên cả nước, mọi người đều có thể tự học và tìm cho mình những kiến thức cần thiết" - Bộ trưởng Luận nói.

"Sẽ sửa đổi sách giáo khoa!"

Trước ý kiến các bài giảng trên website ViettelStudy.vn có phải là làm ra một loạt bài giảng mẫu. Cũng giống như hiện nay có nhiều loại sách văn mẫu, cách chấm thi đại học môn Ngữ văn theo những ý gạch đầu dòng đã chuẩn bị sẵn? Bộ trưởng Luận khẳng định, cách học online sẽ kích thích sự chủ động và niềm đam mê học hỏi của trẻ. Bộ sẽ kiên quyết đổi mới cách ra đề thi theo hướng mở, không sử dụng những đề thi chỉ mang tính chất lý thuyết.

Người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà cũng thừa nhận hệ thống lượng kiến thức trong bộ sách giáo khoa hiện hành quá nặng, chú trọng lý thuyết dẫn đến không phù hợp với năng lực và tư duy của học sinh. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ quyết tâm giảm tải sách giáo khoa trong thời gian tới. Những kiến thức trong sách giáo khoa mới góp phần hình thành những năng lực phẩm chất và kỹ năng cho các cháu. Chẳng hạn năng lực cốt lõi về tư duy độc lập, có ý chí, tự chịu trách nhiệm về hành động của mình, biết lắng nghe ý kiến nhận xét, biết truyền cảm hứng học tập cho người khác…

Trước khi làm sách giáo khoa thì phải xây dựng chương trình cho thật chuẩn. GS Nguyễn Lân Dũng nhận định, chương trình Sinh học của học sinh phổ thông Việt Nam không giống nước nào trên thế giới. Kiến thức học sinh phải tiếp nhận không khác gì chương trình đại học soạn lại. Điều này trái ngược với cách dạy của nước Pháp, kiến thức phổ thông về sinh học thiên về khoa học và đời sống. "Chúng ta đang cố "nhồi nhét" cho học sinh những kiến thức hàn lâm, những kiến thức quá cao siêu để rồi không bao giờ dùng tới. PGS Văn Như Cương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cũng đã từng nói: Trừ những người làm toán ra, trong cuộc sống mỗi người không bao giờ dùng đến tích phân, vi phân, đạo hàm..." - GS Lân Dũng nhận định.

Do đó, GS Dũng đề nghị Bộ trưởng Luận trước khi làm sách giáo khoa nên cân nhắc có phân ban hay không? Phân ban sâu hay không sâu? Nếu phân ban chỉ cách nhau 10%.

Ông cũng đề nghị "Bộ trưởng cho phép các hội chuyên ngành tham gia làm chương trình với 3 tiêu chí: Hội nhập quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và sử dụng lâu dài. Khi mời các hội chuyên ngành tham gia làm chương trình, Bộ sẽ tốn rất ít kinh phí, chỉ cần tiền ăn trưa là đủ".

Trả lời câu hỏi của GS Lân Dũng, Bộ trưởng Luận hứa sẽ thảo luận về việc có phân ban hay không. Bộ sẽ mời các hiệp hội tham gia cùng làm chương trình. Ông Luận cũng cho biết, khó khăn lớn nhất đó chính là thay đổi tư duy của những người làm giáo dục. Do đó ông hy vọng và mong muốn, sức mạnh tinh thần là vô địch, không có giới hạn. Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, rất cần sự phối hợp đồng bộ trong cách triển khai công việc của mình".
“Dạy học sinh cách tư duy độc lập” là chủ đề trong chương trình “Chuyện đương thời” sẽ được phát sóng lúc 22 giờ 30 tối nay (18/7) trên VTV1.

Chương trình có sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, cùng GS. Nguyễn Lân Dũng - Phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn Khoa học và Giáo dục, nhà báo Tạ Bích Loan và các nhà báo phụ trách mảng giáo dục cùng bàn về cách dạy trẻ biết suy xét, biết tư duy độc lập.