Sử dụng hiệu quả nhà công vụ: Phải gắn trách nhiệm và danh dự với tài sản công

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để sử dụng hiệu quả tài sản nhà công vụ, Nhà nước cần phải có quy định rõ ràng hơn và người được sử dụng nhà công vụ cũng phải gắn trách nhiệm và danh dự của mình đối với tài sản công.

 KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông có đánh giá thế nào về cơ chế dành cho nhà ở công vụ của Nhà nước trong thời gian qua?
- Chủ trương làm nhà công vụ của Nhà nước được đánh giá cao về hiệu quả, để hỗ trợ cán bộ, công chức thuộc diện luân chuyển có điều kiện tốt nhất trong quá trình làm việc. Nhà ở công vụ có nhiều loại, từ loại đặc biệt dành cho các nguyên thủ, các Ủy viên Bộ Chính trị và nhà công vụ dành cho hàm Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương. Nhưng không chỉ những người có cấp hàm cao, mà những người có cấp hàm thấp hơn thuộc diện luân chuyển cũng có nhu cầu ở nhà công vụ, vấn đề này trong quy chế chưa có.
Thêm một bất cập nữa, hiện nay, nói là cho thuê nhà công vụ nhưng giá thuê thấp hơn nhiều mặt bằng chung, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ là chính. Trong khi đó ở nước ngoài, nhà công vụ chỉ để cho thuê lấy tiền phục vụ việc cải tạo, sửa chữa và người ở cũng phải đóng tiền thuê hàng tháng, Nhà nước không bao cấp.
Ngoài ra, hiện nay, quy định cũng chưa rõ ràng trong việc cho cá nhân thuê nhà công vụ, chẳng hạn một nhà công vụ từ 100 – 115m2 dành cho một người là quá lớn. Nhưng nếu có gia đình cùng ở thì những người ở thêm phải có trách nhiệm trả tiền thuê như mặt bằng chung, không phải cấp cho một người mà cả nhà cùng được ở.
Bộ Xây dựng đã công khai danh tính của một số cán bộ chậm trễ trao trả lại nhà công vụ khi đã nghỉ hưu. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Theo tôi câu chuyện này bắt nguồn từ sự yếu kém trong công tác quản lý. Trước khi cho thuê nhà ở công vụ phải có ghi rõ ràng trong hợp đồng là thời hạn phải trả lại khi hết thời gian công tác là bao lâu. Hết thời gian đó mà chưa trả lại thì mới gửi công văn yêu cầu.
Chúng ta phải đặt vấn đề nhân văn lên hàng đầu, vì thực tế không phải ai cũng có tâm lý tư hữu nhà công vụ nhưng việc quản lý lỏng lẻo thì họ vẫn cứ ở mặc dù trong thâm tâm của họ là sẽ trả lại.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số cá nhân có ý chần chừ, chờ hóa giá nhà để mua. Nhưng pháp luật đã quy định là không hóa giá nhà. Vì vậy, cán bộ khi được phân nhà phải gắn trách nhiệm và cả danh dự của mình đối với tài sản công, khi ở phải bảo vệ nguyên vẹn và khi hết hạn phải trả lại.
Thời gian qua, một số cán bộ được phân nhà công vụ nhưng lại sử dụng sai mục đích, vấn đề này cần xử lý thế nào, thưa ông?
- Theo quy định, nhà công vụ khi được giao thì không được phép sử dụng với mục đích khác, chỉ được ở, nếu không ở phải trả lại cho Nhà nước và đơn vị quản lý. Cơ quan quản lý có thể áp dụng chế tài nếu như không thực hiện đúng quy định. Nhưng muốn để làm được việc này, trước hết, phải minh bạch từ công tác quản lý, giao cho một đơn vị chuyên quản lý nhà công vụ, còn Bộ Xây dựng chỉ là đơn vị xây dựng những quy chế sử dụng.
Xin cảm ơn ông!

Tại Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà công vụ, có 8 loại nhà công vụ ứng với các tiêu chuẩn khác nhau gồm: Biệt thự loại A; biệt thự loại B; căn hộ chung cư loại 1; căn hộ chung cư loại 2; căn hộ chung cư loại 3 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 1 tại khu vực nông thôn; căn hộ chung cư loại 4 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 2 tại khu vực nông thôn; căn hộ chung cư loại 5 tại khu vực đô thị hoặc căn nhà loại 3 tại khu vực nông thôn; căn nhà loại 4 tại khu vực nông thôn.

Các căn hộ công vụ này được Nhà nước trang bị nội thất như: Bàn ghế, kệ tivi phòng khách, máy điều hòa nhiệt độ các phòng, bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh và một bộ bàn ghế làm việc…