Làm báo thời 4.0
Tại Việt Nam, sự ra đời của truyền thông xã hội (social media) như Facebook, Twitter, Youtube, Instagram… đã và đang san phẳng mọi giới hạn về kết nối, chia sẻ thông tin trên nền tảng công nghệ số. Những ngày MXH mới xuất hiện, nhiều tờ báo tìm cách để ngăn chặn việc kênh thông tin này. Đến nay, nhiều báo đã sử dụng MXH như nguồn tin ban đầu, đồng thời là kênh quảng bá, phát hành thông tin đến bạn đọc. Hàng ngày, những sự kiện, thông tin với hình ảnh, video sinh động của đời sống được các cá nhân cập nhật liên tục trên MXH đã được các nhà báo hiện đại nhanh nhạy theo dõi và nắm bắt.Nhắc đến “công lao” của MXH với báo chí không thể không nhắc đến những vụ việc gây chấn động thời gian qua như sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung; vụ ném phao thi ở Bắc Giang hay gần đây là vụ việc hy hữu khi kẻ giật túi xách của du khách chụp ảnh tại giao lộ Thi Sách - Cao Bá Quát, quận 1, TP Hồ Chí Minh bị Facebook nhận diện khuôn mặt. Tất cả những “tâm bão” trên MXH ấy đều trở thành những đề tài “nóng” được khai thác triệt để mọi ngóc ngách trên báo chí. Thông qua MXH, báo chí đưa ra các bài viết ấn tượng, tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh nội dung của bài báo, khuyến khích các cư dân mạng cung cấp thêm thông tin… Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng: “Thông tin trên mạng xã hội dù phong phú, đa dạng nhưng vẫn mang tính cá nhân, không qua bất cứ một ban biên tập nào thẩm định. Các nhà báo cần biết rằng, thông tin trên mạng xã hội nhiều khi chưa chính xác, muốn sử dụng vào bài của mình phải có sự kiểm chứng, xác minh”.Hệ lụy không nhỏViệc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin để triển khai đề tài từ MXH không phải là việc xấu, thậm chí là cần thiết để phát hiện vấn đề, nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, sự cẩn trọng đôi lúc chưa được đề cao khi các nhà báo dùng MXH làm chất liệu cho bài báo của mình. Người làm báo vô tình rơi vào vòng xoáy thông tin trong cách mạng 4.0. Thực tế tại Việt Nam, không ít nhà báo đã bị lừa bởi thông tin trên MXH. Chẳng hạn vụ đăng tải thông tin về dàn siêu xe gắn biển xanh của TP Cần Thơ thực ra chỉ là mô hình đồ chơi hay bài tập làm văn của em bé viết thư cho bố công tác ở đảo xa cũng không đúng sự thật… Hệ lụy là nhiều cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử phạt. Tuy vậy, những câu chuyện trên không chỉ ít nhiều làm mất niềm tin của công chúng đối với báo chí nói chung mà còn dấy lên mối lo ngại về quy trình tác nghiệp của một số phóng viên trước áp lực tin bài. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng cho rằng: Có một thực tế trong hoạt động báo chí hiện nay là một số tờ báo và một số nhà báo đang hành nghề theo lối viết lại những gì thấy trên MXH thay vì phải thâm nhập thực tế để phát hiện sự kiện, hiện tượng. Ðặc biệt, nhất cử nhất động của người nổi tiếng từ việc họ yêu người này bỏ người khác, ăn gì mặc gì đều được theo dõi kỹ lưỡng. Khi sự tương tác giữa MXH và báo chí đã là tất yếu, người cầm bút cần tỉnh táo, nâng cao trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh nào, công chúng vẫn luôn cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thói hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh thông tin trên MXH nhiều như hiện nay, báo chí cần phải định hướng xã hội thông qua các bài bình luận. Cần có những bài phản bác thuyết phục hơn, lập luận có tình có lý. Quan trọng nhất là báo chí phải trung thực và hướng thiện.
Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Trong đó quy định người làm báo sử dụng tài khoản MXH của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước; Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên MXH có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân; Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.... |