Sử dụng sách giáo khoa nhiều lần là khó khả thi

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra Chỉ chị số 3798/CT-BGDĐT yêu cầu giáo viên (GV) hướng dẫn học sinh (HS) không viết vào sách giáo khoa (SGK) để sách được sử dụng nhiều lần.

 Ông Trần Mạnh Tùng – GV Toán, trường THPT Lương Thế Vinh
Cho rằng sử dụng SGK nhiều lần là phản khoa học và không khả thi, ông Trần Mạnh Tùng – GV Toán, trường THPT Lương Thế Vinh khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rút lại yêu cầu này.

Thực hiện đối phó

Ông có thể giải thích về phát ngôn gây sốc của mình trên mạng xã hội vừa qua?

- Tôi đóng vai phụ huynh nhiều hơn bởi con mình đang học lớp 1 và đương nhiên rất quan tâm đến SGK. Tôi cho rằng yêu cầu này không khả thi. Thứ nữa, quy định này phản khoa học, đi ngược lại mục đích, mục tiêu của các tác giả soạn SGK là tăng cường sự tương tác giữa người học với sách. Vì thế, tôi và các GV khác không thể làm được, trong khi Bộ trưởng lại yêu cầu họ phải thực hiện.

Vậy ông có thể nêu ra những ví dụ mà chương trình Toán lớp 1 bắt buộc HS phải làm vào SGK?

- SGK Toán lớp 1 có 138 trang. Trừ mục lục và bìa, trang nào trong sách cũng yêu cầu HS phải làm như: Nối số, khoanh vào cho đủ số lượng, xóa bớt đi vòng tròn hoặc bông hoa để đạt được số lượng cho trước. Hay HS phải tập viết các chữ số từ 1 đến 10 và những yêu cầu khác không thể chuyển sang quyển vở được. Vì thế tôi cho rằng đề nghị trong Chỉ thị không khả thi.

Như vậy, Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ làm khó GV?

- Tôi đã phân tích, Chỉ thị này gây khó khăn cho GV. Chắc chắn, sắp tới sẽ có những sự đối phó. Có người dân đã nói với tôi là sẽ photo thêm 1 bản SGK rồi cho con viết vào đó thì quyển sách kia vẫn đẹp. Hoặc trường hợp, phụ huynh mua 2 bộ SGK, ở trường thầy cô không cho HS viết vào SGK thì ở nhà vẫn có thể viết. Thực ra, để đạt được yêu cầu và mục tiêu giáo dục, không một GV nào có thể làm được mà không cho HS viết vào sách. Vì thấy quy định này không khả thi mà còn phản khoa học, tôi khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rút lại đề nghị này và thay bằng nội dung phù hợp hơn.
 Sách giáo khoa Toán lớp 1 có thiết kế các bài tập để học sinh làm luôn vào đó.

Chấp nhận dùng SGK một lần để đạt mục tiêu giáo dục

Hàng năm chúng ta phải chi đến 1.000 tỷ đồng để mua SGK mới, nếu không tái sử dụng thì đó là sự lãng phí lớn?

- Đúng là chúng ta tái sử dụng SGK rất ít, chỉ đạt có 35% và mỗi năm tốn rất nhiều tiền để in lại sách. Thực ra câu chuyện SGK có nhiều vấn đề và chúng ta đang bàn về một cái nhỏ có hai mặt. Một mặt, chúng ta đang lãng phí và mong muốn một quyển SGK được sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, mặt còn lại của vấn đề là chúng ta đang sống trong xã hội rất thay đổi và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. SGK được thiết kế theo hướng hiện đại, tăng cường tính tương tác trực tiếp giữa người học và quyển sách, giúp cho việc học được sinh động, hấp dẫn. Và trong cùng một khoảng thời gian, HS làm được nhiều việc hơn và rèn luyện được nhiều kỹ năng hơn. Để đạt được yêu cầu và mục đích tốt đẹp như tôi vừa nói, chúng ta nên chấp nhận tốn kém, mặc dù, trong giáo dục còn rất nhiều sự tốn kém khác.

Nhưng ở khu vực miền núi, nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, để mua được bộ SGK cũng là gánh nặng cho các gia đình?

- Để cho trẻ con đi học, không chỉ có SGK mà còn rất nhiều các khoản chi phí khác. Trong trường hợp này, rất cần các cấp chính quyền, mạnh thường quân hỗ trợ để HS mua một bộ SGK mới thuận tiện. Qua theo dõi tôi thấy, những nơi có khó khăn, nhưng người ta cũng không muốn phải mua một bộ SGK lớp 1 cũ cho con dùng. Còn các lớp cao hơn như THPT, HS không viết vào sách nhưng thực tế hàng năm rất ít HS dùng lại SGK cũ. Chứng tỏ các gia đình không khó đến mức phải mua SGK cũ cho con đi học.

Ông phản biện gì khi có ý kiến sử dụng SGK một lần là đi ngược lại nguyên tắc giáo dục học và hành, không rèn được đức tính tiết kiệm?

- Trường hợp chúng ta nói đến là HS tiểu học và trực tiếp là lớp 1 mới biết viết một vài chữ cái, vài chữ số đầu tiên. Vì vậy, yêu cầu các em vẽ một tam giác, một đoạn thẳng hay một bông hoa như trong SGK là điều không khả thi. Nếu chúng ta vẫn muốn rèn luyện được tính tiết kiệm mà bỏ qua kỹ năng hiện tại của các em thì phi thực tế. Thay vào đó, có thể rèn cho HS những đức tính tốt đẹp thông qua rất nhiều hoạt động khác.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần