Sử dụng thuốc hợp lý trong bệnh xương khớp

BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi gặp các cơn đau nhức, cứng khớp, người bệnh hay tìm đến các thuốc giảm đau nhanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc lạm dụng các thuốc giảm đau trong bệnh xương khớp rất nguy hiểm.

Việc lạm dụng các thuốc giảm đau không chỉ gây tác dụng phụ đau dạ dày mà còn làm gia tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ, làm lu mờ triệu chứng bệnh xương khớp khiến bệnh diễn biến xấu nhanh hơn, sụn và xương dưới sụn hư hỏng nghiêm trọng hơn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lý do là một số thuốc giảm đau, chống viêm có thể có những tác dụng không mong muốn. Ví dụ: Người đau nhức xương khớp kèm theo viêm loét dạ dày, tá tràng, nếu dùng thuốc cortison (prednosolon, methylprednosolon, solu-medrol...) hoặc aspirin có thể gây chảy máu dạ dày cấp nếu không phát hiện kịp thời và cấp cứu khẩn trương sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Y học cổ truyền dùng các bài thuốc, vị thuốc có tác dụng khu phóng, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc để giảm đau. Cần có chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý dùng thảo dược theo lời đồn.

Dùng thuốc xoa bóp: Dùng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp trực tiếp các vùng xương khớp bị đau nhức để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết, lưu thông máu.

Chườm thảo dược: Đắp nóng hoặc chườm nóng trong khoảng 20 phút giúp làm giảm các cơn đau xương khớp.

Ngâm chân nước thuốc, ngâm tay nước thuốc, ngâm tắm thảo dược toàn thân: Đau xương khớp mùa lạnh có thể được khắc phục bằng cách tắm nước nóng từ 15 - 20 phút với những phần xương khớp bị đau. Lưu ý, nhiệt độ nước tắm vừa phải, tránh tắm muộn và tắm quá lâu, thời gian tắm nên từ 15 - 20 phút.

Khi khớp bị sưng, ngâm tắm thảo dược làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Mỗi ngày ngâm chân một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, ngâm từ 15 - 30 phút. Ngâm tắm thảo dược có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp và còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân. Đối với ngâm tắm toàn thân, nhiệt độ nước từ 30 - 400C, thời gian tắm từ 15 - 20 phút. Nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và giúp người bệnh thực hiện một số cử động chủ động của khớp trong nước.

Bên cạnh sử dụng thuốc, người bệnh cũng nên vận động hợp lý. Nhiều người khi bị đau nhức xương khớp sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng. Tuy nhiên, thực chất, khi bị khớp, mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.

Bạn có thể tập luyện hợp lý để cải thiện chức năng của khớp, hoặc có thể masage, dùng phương pháp trị liệu. Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng để thực hiện những bài tập thể dục đơn giản như: Bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, Thái cực quyền, khí công dưỡng sinh, Yoga… theo nguyên tắc nhẹ nhàng, mang tính cá thể và khi thực hành xong cảm thấy các khớp dễ chịu, giảm đau, vận động được cải thiện. Điều này rất hữu ích không chỉ cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe, mang lại sự sảng khoái về tinh thần và làm việc có hiệu quả hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần