Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng:

Sử dụng vốn tín dụng đúng mục đích, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – TP Hà Nội sẽ ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách TP ủy thác qua NHCSXH TP; đồng thời rà soát đánh giá nhu cầu vay vốn của cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để bố trí vốn, hỗ trợ theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 18/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng; đại diện Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP Hà Nội và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội của TP.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TP Hà Nội. 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TP Hà Nội. 

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, TP Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp trọng điểm là hỗ trợ vốn tín dụng chính sách cho người lao động, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Với quan điểm đó, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ với những trọng tâm sau:

Một là, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023. TP cũng đã giao nhiệm vụ cho NHCSXH TP phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội và tham mưu UBND ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách TP ủy thác qua NHCSXH với những ưu đãi về điều kiện, thủ tục, mức vay, lãi suất cho vay. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn TP.

Hai là, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị quyết như: Chỉ đạo công tác tuyên truyền, rà soát và tổng hợp nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận hộ có mức sống trung bình để tiếp cận được vốn tín dụng chính sách…

Ba là, kịp thời phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho vay đến các địa bàn để tổ chức giải ngân. Chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP địa bàn Hà Nội được phân bổ là 206,3 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được 51,71 tỷ đồng cho 924 khách hàng được vay vốn.

Bốn là, bổ sung nguồn vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH TP Hà Nội đạt 5.956 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, TP đã dành riêng 1.150 tỷ đồng chuyển qua NHCSXH TP để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong năm 2022, TP cũng đã có quyết định bổ sung ủy thác NHCSXH TP 900 tỷ đồng để cho vay vốn với người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần phục hồi phát triển kinh tế.

Năm là, song song với việc chỉ đạo thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ nguồn vốn T.Ư và TP gắn với các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Đặc biệt, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt triển khai chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, tổng số tiền đã giải ngân là trên 324 tỷ đồng cho 262 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 76.925 lượt người lao động. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn TP Hà Nội đến hết ngày 17/5/2022 là 12.398 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,021%/tổng dư nợ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tham luận tại hội nghị. 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tham luận tại hội nghị. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo về việc rà soát đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng tại Nghị quyết 11/NQ-CP, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung chỉ tiêu kế hoạch cho vay trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn đều nắm bắt về chính sách tín dụng ưu đãi, các đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP và chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023.

TP sẽ ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách TP ủy thác qua NHCSXH TP. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá nhu cầu vay vốn để phục hồi phát triển kinh tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, báo cáo, tham mưu HĐND, UBND TP cân đối Ngân sách bố trí vốn khoảng 1.000 tỷ đồng chuyển bổ sung qua NHCSXH TP triển khai giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng theo chỉ đạo của UBND TP.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan liên quan quan tâm gắn tín dụng chính sách xã hội với các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ đạo NHCSXH TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đã và đang triển khai trên địa bàn, thường xuyên quan tâm triển khai có chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cũng như công tác nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.