Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự hối hận không muộn màng

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay đám cưới đứa con trai của chị được tổ chức long trọng ấm cúng. Chị bất chợt nhìn sang chồng, anh có nét mặt rạng rỡ nhưng không kém phần xúc động. Không ai biết rằng, có lúc chị tưởng chừng không thể tha thứ cho anh.

Anh thích chị hồi còn là học sinh, anh học lớp 12 trên chị một lớp. Chị nhớ, hồi đó anh hàng ngày đi học ngang nhà chị. Anh thường mặc chiếc áo bộ đội bạc màu, đi xe đạp cũ kỹ. Chị lúc đó thực sự không có nhiều ấn tượng về anh, duy có lần cũng tự hỏi: “Cái ông này sao lúc nào cũng mặc chiếc áo bộ đội cũ thế nhỉ?”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau này chị đậu vào trường sư phạm rồi về quê dạy học. Anh trượt đại học y, rồi theo học trung cấp và trở thành y sĩ cũng về huyện nhà công tác. Công việc khiến họ gặp gỡ nhau nhiều hơn, như những lần tiêm chủng cho học sinh, lần hướng dẫn về vệ sinh học đường… Gần anh hơn, chị thấy anh hiền lành, chăm chỉ và có nhiều nét duyên thầm. Có lần, lúc công việc tạm ngơi, anh gặp chị nói đùa: “Cô giáo ơi! Tôi ước được là học sinh của cô đấy!”...

Qua ánh mắt của anh, chị dần nhận ra anh thích mình. Sau này khi đã là vợ chồng, anh thú nhận là anh thích chị từ hồi đang đi học phổ thông cơ. Hồi đó, anh chỉ có chiếc áo bộ đội cũ là tươm tất nhất nên đi học về là giặt ngay, phơi khô mai mặc đi học tiếp để đi ngang nhà chị. Lỡ hôm nào áo không khô kịp anh mượn bàn là than ủi cho khô.

Lấy nhau vài năm. Chị mang thai thì anh đi học tiếp Đại học Y, hệ hàm thụ. Anh thi đậu còn chần chừ không biết có nên đi học vì không có tiền nộp học phí mỗi năm, chưa kể lên TP phải ăn uống, thuê phòng trọ. Anh cũng lo ngại vì vợ trẻ đang mang thai, cần có chồng giúp đỡ.

Biết sự lo lắng của anh, thầy giáo của anh nói: “Em cố gắng đi học đi. Người ta mong thi vào trường y không được còn em đã đậu lại còn băn khoăn. nếu em thiếu tiền, nhà có gì bán cái nấy, cầm cố nhà cửa - ruộng đất, vay mượn mà học”. Chị chỉ nói với anh: “Em tự lo được cho mình, có gì kêu thêm nội ngoại. Về tiền bạc cho anh đi học, nhà mình có thể vay ông bà ngoại trả góp”.

Anh nghe mọi người, đi học. Anh vừa học vừa khám chữa bệnh cho các gia đình nhờ đến khám tại nhà nên cũng không quá khó khăn về kinh tế như ban đầu nghĩ. Mấy năm học trôi qua, nhờ chăm học lại thông minh, anh tốt nghiệp bác sĩ vào loại giỏi, trở về quê công tác.

Chỉ mấy năm sau khi ra trường, đời sống kinh tế của gia đình anh dần khá giả. Anh vừa đi làm ở bệnh viện, vừa có phòng mạch riêng. Nhờ chuyên môn chữa bệnh tốt nên anh ngày càng có nhiều người đến nhờ chữa bệnh.
Anh khấm khá hơn, cũng có nhiều mối quan hệ ở xã hội hơn. Thời gian rỗi, anh có những cuộc giao lưu ăn nhậu và ngày càng dày đặc hơn. Chị cũng không cấm cản anh vì anh vẫn chu đáo việc cơ quan, việc gia đình, nhất là về kinh tế.

Một hôm, anh về nhà trong trạng thái khá say. Anh bỗng nhiên thú nhận với chị là đã có con ngoài luồng, kể cho chị việc gặp gỡ ra sao, rồi hậu quả như thế nào… Chị nghe chuyện bỗng thấy choáng váng. Khi tỉnh rượu, anh xin lỗi chị, nói đó là “phút yếu lòng” không mong muốn và chỉ biết “hậu quả” khi cô ấy báo đã mang thai và sắp sinh con.

Nhiều đêm, chị đã nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng rồi thấy thái độ ăn năn của chồng chị mềm lòng, nghĩ không ai không có sai lầm, nhưng biết sai để sửa mới quan trọng. Lần đó, chị không biết lấy đâu dũng khí để nói với anh suy nghĩ của mình, với kết luận là “dù sao anh cũng phải có trách nhiệm với đứa bé ngoài mong muốn đó”.

Anh từ ngày được chị tạm tha lỗi thì bớt đi ăn nhậu, ở nhà thường xuyên hơn. Anh có lần nói với chị: “Anh lại mang ơn em lần nữa rồi. Trước đây anh nghèo mà em vẫn nhận lời lấy anh, sinh con cho anh, lại giúp anh học hành. Lần này, em cho anh cơ hội sửa sai”…

Hôm nay, chị ngắm nhìn đứa con trai trong đám cưới với khuôn mặt rạng rỡ, có cảm giác như đó là anh của hơn 20 năm trước. Chị thầm nghĩ: “May mình không quá cố chấp. Nếu không, con trai mình có nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc như thế hay không?”.