70 năm giải phóng Thủ đô

Sự kiện tuần qua: Triệu tập cô gái tung tin đồn máy bay rơi ở Nội Bài

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triệu tập cô gái tung tin đồn máy bay rơi ở Nội Bài; Đình chỉ cán bộ liên quan dự án nhận chìm bùn thải xuống biển; Đề nghị cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình... là những thông tin được dư luận quan tâm tuần qua.

Triệu tập cô gái tung tin đồn máy bay rơi ở Nội Bài
Chiều 20/7, một tài khoản Facebook tung lên mạng xã hội 5 bức ảnh chụp tại một cuộc diễn tập khẩn nguy hàng không với nội dung "Mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng... Nội Bài này". Trong ảnh, một máy bay nằm ngang qua mương nước cùng với xe chữa cháy.
Đoạn chia sẻ của người phụ nữ tung tin thất thiệt về việc ''máy bay rơi ở Nội Bài''.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Huy Dương - Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khẳng định, thông tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài là bịa đặt.
Ông Dương cho rằng, việc đưa thông tin lên mạng ảnh hưởng đến tâm lý các hành khách. Lực lượng chức năng đề nghị công an điều tra tài khoản Facebook tung tin "máy bay rơi" ở Nội Bài.
Chiều 22/7, nhiều tờ báo trong nước thông tin, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PC50 (Công an TP Hà Nội) cho biết vào sáng 22/7, cơ quan điều tra đã triệu tập đối tượng nữ tung tin thất thiệt máy bay rơi ở Nội Bài. Người tung lên mạng xã hội thông tin thất thiệt máy bay rơi ở Nội Bài là một phụ nữ bán mỹ phẩm online. 

Người phụ nữ trên có thể đối diện với mức phạt nặng. Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Theo Bộ luật Hình sự, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 122, Bộ luật hình sự quy định phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống.

12 người chết và mất tích do bão số 2
Bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền đêm 16, sáng 17/7 gây thiệt hại hết sức nặng nề cho các địa phương ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Báo cáo sáng 19/7 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, số người bị thiệt mạng do cơn bão này gây ra đã lên tới 7 người (tăng 3 người so với báo cáo nhanh ngày 18/7). Trong đó, Hà Giang 1 người, Yên Bái 1 người, Nghệ An 4 người và Thanh Hóa 1 người. Hiện, vẫn còn 5 người đang bị mất tích (Yên Bái 1 người và 4 thuyền viên tàu VTB26).
Lực lượng tìm kiếm tiếp cận con tàu gặp nạn. Ảnh. Thành Duy/Báo Nghệ An

Bên cạnh thiệt hại về người, bão số 2 cũng khiến 172 nhà bị sập, đổ; 6.126 nhà bị tốc mái. Có 52 gia đình phải di dời. Ngoài ra, 64 chiếc tàu cá, 2 xà lan và 1 tàu lai dắt hải quân bị chìm ở Quảng Bình; 8 tàu hàng bị mắc cạn tại Quảng Bình.

Trong đợt mưa bão vừa qua, ngành nông nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổng diện tích lúa, hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2 tính đến nay là 47.632ha. Hiện, các địa phương đang tập trung bơm tiêu, đến nay diện tích ngập úng đã cơ bản giảm. Riêng các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ diện tích ngập còn lớn do nước sông đang cao và rút chậm.

Tại các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh dự kiến nếu không có mưa lớn thì nước sẽ rút hoàn toàn trong 1 - 2 ngày tới. Cùng với đó, 597 con gia súc và 17.339 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. 801ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ngành điện lực cũng chịu thiệt hại lớn với 4.540 cột điện bị gãy, đổ. Trong đó: Nghệ An: 3.874 cột; Thanh Hóa: 635 cột.

Hiện, các địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thống kê thiệt hại sau bão số 2.

Đề nghị cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình

Về việc để tai biến chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sáng 21/7, Hội đồng kỷ luật của Sở Y tế Hòa Bình đã họp, xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện này.

Hội đồng kỷ luật đề xuất việc cách chức đối với ông Dương và tiến hành lấy ý kiến các thành viên hội đồng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả, 5/5 thành viên đều nhất trí với hình thức kỷ luật này. Sau cuộc họp, hội đồng kỷ luật sẽ có báo cáo lên UBND tỉnh xin phê duyệt và ra quyết định kỷ luật.

Trước đó, ngày 29/5, 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình bất ngờ có dấu hiệu buồn nôn, khó thở. Các y bác sĩ đã ngừng chạy thận để cấp cứu cho các bệnh nhân, tuy nhiên có 8 trường hợp lần lượt tử vong ngay sau đó.

Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã khởi 3 bị can để điều tra, trong đó có 1 bác sĩ của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Ông Trương Quý Dương - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. 

Ngày 24/6, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết, mẫu nước thu tại đầu cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 (của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình) có các chỉ tiêu độ pH rất thấp; độ dẫn điện rất cao, hàm lượng florua cao gấp 245 (máy số 10) và 260 lần (máy số 13) mức cho phép. Các mẫu nước này đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn AAMI. Viện Khoa học hình sự cũng tiến hành giám định các máy chạy thận khác ở BV Đa khoa Hòa Bình và phát hiện hàm lượng florua trong các mẫu nước đều vượt ngưỡng an toàn gấp hàng trăm lần.

Cơ quan điều tra xác định bị can Bùi Mạnh Quốc (31 tuổi, ngụ TP Bắc Ninh), Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, đã có vi phạm trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO, đã sử dụng hóa chất a xít clohydric (HCl) và a xít flohydric (HF) để sục rửa. Do cẩu thả nên sau khi sục rửa Quốc quên xả 2 đầu vào máy, làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận. Sau khi sửa chữa, khử trùng hệ thống lọc nước RO số 2 chưa kiểm định mẫu nước. Mặc dù chưa biết nước đã đạt tiêu chuẩn hay chưa nhưng Quốc vẫn bàn giao cho BV đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân chạy thận.

Bị can Trần Văn Sơn (27 tuổi, ngụ TP Hòa Bình), cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không giám sát quá trình bảo dưỡng, thay thế vật tư. Khi nhận bàn giao từ Quốc đã không kiểm tra, lập các biên bản nghiệm thu theo đúng quy định. Còn bác sĩ Hoàng Công Lương (31 tuổi, ngụ huyện Quốc Oai, Hà Nội) - bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Mặc dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không, nhưng bác sĩ Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân.

Đình chỉ cán bộ liên quan dự án nhận chìm bùn thải xuống biển

Ngày 22/7, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương phát đi thông cáo báo chí cho biết đã đình chỉ công tác ông Hà Quốc Quân, hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ của Viện nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương. Ông Hà Quốc Quân kiêm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn cho dự án.

Sau khi báo chí phản ánh hồ sơ tư vấn cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất bùn thải sau nạo vét đổ ra biển Vĩnh Tân, bị các nhà khoa học phản ứng vì cho rằng đơn vị tư vấn đã mạo danh, Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã cho thành lập ngay tổ công tác để xác minh.

Theo kết quả bước đầu của tổ công tác, việc ông Hà Quốc Quân - Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ của Viện nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp, tham gia quản lý điều hành DN là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng biển Việt Nam như báo chí nêu là có thật. Việc này đã vi phạm Điều 37, luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2012 và luật Viên chức. Theo đó, viên chức Nhà nước không được tham gia quản lý điều hành DN.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Dựa vào kết quả này, Bộ Công Thương đã yêu cầu Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp tiến hành kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý vi phạm kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu ông Quân phải làm rõ việc thành lập công ty, đưa tên vào công ty một số chuyên gia là cán bộ của Bộ đã nghỉ hưu và việc đưa tên các nhà khoa học vào danh sách tư vấn cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét bến chuyên dùng và đổ ra biển Vĩnh Tân.

Trước đó, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang và 2 nhà khoa học khác đã lên tiếng cho rằng tên tuổi của mình bị mạo danh trong danh sách Hội đồng tư vấn cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân được nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét.

Từ đó, ngày 23/6, Bộ TN-MT đã có giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 thực hiện việc nhận chìm.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm giấy phép được ban hành, các nhà khoa học, cơ quan báo chí cùng người dân đã có những phản ứng quyết liệt vì cho rằng việc nhận chìm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng biển này. Đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có rất nhiều loài thủy sinh cư trú.