Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự sụp đổ của một đế chế?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt một tuần qua, bên cạnh cuộc khủng hoảng di cư, Tập đoàn Volkswagen (VW) là cái tên xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông quốc tế bởi bê bối gian dối lượng khí phát thải của tập đoàn này tại thị trường Mỹ đang tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô và nền kinh tế toàn cầu.

Cơn dư chấn mang tên Volkswagen

Bầu không khí ảm đạm đã bao trùm thị trường chứng khoán phố Wall khi CEO của VW Martin Winterkorn thừa nhận, hãng đã cài phần mềm đặc biệt để ngụy tạo kết quả trong các bài thử nghiệm đo lường khí thải của xe có động cơ diesel. Theo đại diện Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), phần mềm này đã giúp 482.000 chiếc xe sử dụng động cơ diesel 4 xi-lanh trót lọt qua cửa kiểm tra và được bán tại thị trường Mỹ từ năm 2008. Điều đáng nói ở chỗ, hãng VW luôn quảng cáo đây là những chiếc xe sử dụng “động cơ diesel sạch”. Trong khi đó, EPA khẳng định lượng khí NO thực tế của loại xe này gấp 10 - 40 lần so với tiêu chuẩn quy định.
Hãng xe sang Volkswagen lao đao sau bê bối gian lận.
Hãng xe sang Volkswagen lao đao sau bê bối gian lận.
Hành động sử dụng thiết bị thủ tiêu bất hợp pháp để che giấu lượng khí phát thải lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn của VW vừa là hành vi bất hợp pháp nhằm che giấu sự thật với EPA, vừa là hành động lừa dối người tiêu dùng. Phản ứng của thị trường và giới chức Mỹ trước cơn dư chấn này là vô cùng dữ dội. Hiện, VW đang phải đối mặt với nguy cơ bị phạt lên tới 37.500 USD/xe với tổng số tiền phải nộp phạt lên tới 18 tỷ USD và bị điều tra hình sự với các lãnh đạo. Điều đáng nói là các biện pháp khắc phục khủng hoảng của VW dường như chưa phát huy hiệu quả khi giá cổ phiếu của hãng liên tục giảm tới hơn 30%. Chỉ số S&P 500 tại thị trường Mỹ từ phiên đầu tuần đến nay đã chứng kiến sự lao dốc giá cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn ô tô như Fiat Chrysler giảm 5,7%, Ford Motor và General Motors mất ít nhất 1,9%.

Khó đảo ngược tình thế

Được thành lập năm 1937, từ một nhà máy sản xuất ô tô với sản phẩm duy nhất là Beetle, VW nhanh chóng phát triển và lần lượt thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng như Audi, Porsche, Bugatti, SEAT, Skoda, MAN và Ducati… Tuy nhiên, sau một thời gian thống trị thị trường, khoảng 20 năm gần đây, tập đoàn chế tạo xe hơi lớn nhất của Đức này đã vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các “ông lớn” khác như GM của Mỹ và Toyota của Nhật Bản. Bất chấp việc xây dựng một nhà máy lắp ráp lớn tại bang Tennessee và thực hiện các chiến dịch quảng bá rầm rộ về “động cơ sạch”, thị phần của VW ở Mỹ chỉ chiếm 2%. Và bê bối gian dối bị phát hiện lần này không chỉ gây tổn thất trực tiếp về vật chất mà còn làm tổn hại danh tiếng và chặn đứng hy vọng hồi sinh của đế chế ô tô một thời hùng mạnh này.

Mặc dù CEO Winterkorn đã nhiều lần xin lỗi “vì đã làm mất lòng tin của khách hàng và công chúng” và cam kết sẽ “làm mọi việc để đảo ngược thiệt hại do sự việc gây ra” nhưng bê bối này đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Bầu không khí nặng nề và nghi ngại đè nặng lên Triển lãm quốc tế về xe hơi thường niên diễn ra tại Frankfurt (Đức) từ 17 – 27/9 và buộc VW phải hủy kế hoạch ra mắt dòng xe mới nhất tại sự kiện quan trọng này. Ngoài việc ngừng bán dòng xe máy dầu đời 2015 sử dụng động cơ diesel 4 xi-lanh, tăng áp, dung tích 2.0 lít tại thị trường Mỹ, chắc chắn kế hoạch ra mắt một số dòng xe đời mới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dù số phận của CEO Winterkorn được định đoạt trong cuộc họp khẩn cấp của HĐQT VW hôm 23/9 nhưng hậu quả mà vị lãnh đạo này để lại rất khó để giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi bê bối của VW không còn là câu chuyện của riêng tập đoàn này nữa mà là vấn đề pháp lý giữa Đức với Mỹ, giữa Đức với phần còn lại của châu Âu. Và đế chế VW dù có sụp đổ hay không cũng khiến các DN của Đức vốn nổi tiếng về quy chuẩn chất lượng khắt khe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.