70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa chính sách ưu đãi nhân tài

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm sao để giữ chân người tài ở lại trong khu vực công hoặc thu hút thêm các tài năng vào khu vực vực này cũng là một vấn đề được đề cập đến nhiều trong thời gian qua.

Nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Đó là một trong những vấn đề được nhấn mạnh trong Kết luận mới của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Giờ thực hành trong phòng thiết bị công nghệ cao ở ĐHQG Hà Nội Ảnh: Bùi Tuấn
Giờ thực hành trong phòng thiết bị công nghệ cao ở ĐHQG Hà Nội Ảnh: Bùi Tuấn

Làm sao để giữ chân người tài ở lại trong khu vực công hoặc thu hút thêm các tài năng vào khu vực vực này cũng là một vấn đề được đề cập đến nhiều trong thời gian qua.

Hiện tượng "rời công, sang tư" của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng liên tục được nói đến nhiều trong thời gian qua. Việc tinh giản số lượng công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách là chủ trương đúng và dịch chuyển việc làm âu cũng là tất yếu.

Tuy nhiên, đáng nói là trong những người thôi việc, dịch chuyển, thì người có năng lực và trình độ chuyên môn tốt chiếm tỷ lệ không nhỏ. Việc thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào hệ thống chính trị đã được các địa phương rất quan tâm, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.

Thực tiễn có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, cả khách quan và chủ quan, nhưng trên hết, có 3 nguyên nhân chính, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.

Không ít công chức, viên chức cảm thấy cùng với quá tải công việc, nguồn thu nhập lại chưa tương thích, chưa đảm bảo đời sống, nên không còn mặn mà với khu vực công.

Hơn thế nữa, ngạch và bậc lương cơ bản vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến; cũng không bảo đảm được sự công bằng khi trong thực tế vẫn còn một bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" được hưởng như người có năng lực và làm nhiều việc. Khi thu nhập không dựa trên tiêu chí hiệu quả sẽ cũng không tạo động lực phấn đấu.

Trong Kết luận mới này, cùng với các quy định liên quan về quản lý biên chế, tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các đơn vị theo hướng tinh gọn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp…

Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở, sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh…

Việc có được những chính sách thống nhất, phù hợp trong ưu đãi người thực sự tài năng, có cống hiến đặc biệt và giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn sẽ tạo thêm động lực để cán bộ, công chức có đức, tài thực sự thấy gắn bó với công việc, phát huy cao nhất năng lực bản thân.

Tuy nhiên, việc trả lương xứng đáng thôi chưa đủ, muốn thu hút thêm người giỏi trong hệ thống đơn vị công, không còn cách nào khác vẫn là phải khắc phục những hạn chế, đổi mới mạnh mẽ nhiều vấn đề, trong đó có môi trường làm việc.

Hy vọng rằng, trên cơ sở đánh giá thực tiễn, việc sớm có các giải pháp đồng bộ từ đổi mới chính sách tiền lương, đến bố trí đúng năng lực, trình độ; có cơ chế khuyến khích người giỏi, người có năng lực… sẽ thực sự tạo thêm được nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị, để những người giỏi cũng không bị nản lòng vì lương thấp, việc nhiều và môi trường làm việc chưa thực sự thu hút.