Sửa đổi Luật Đầu tư công, khơi thông nguồn lực cho phát triển

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Cấp thiết sửa đổi Luật Đầu tư công

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo), sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ; một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành các Luật, Nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới, đặc thù cho một số địa phương, dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng, cần nghiên cứu để luật hoá.

Luật Đầu tư công hiện đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ. Ảnh minh hoạ
Luật Đầu tư công hiện đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ. Ảnh minh hoạ

Việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương. Ngoài ra còn một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

TS Vũ Đình Ánh đánh giá, trong quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin - cho, hợp thức hóa... mà chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm; quyền và trách nhiệm của cá nhân với của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai, giải ngân chậm…

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này với 29 nội dung tập trung vào 5 nhóm chính sách sửa đổi. Bao gồm: thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;

Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Luật sửa đổi lần này nhằm khắc phục được những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực cho phát triển…; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Gỡ khó về quy trình thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Góp ý cho dự thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho rằng, đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, để thuận lợi và phù hợp, dự thảo cần có quy định ghi rõ nếu các luật quy định khác thì cần áp dụng theo luật.

Chẳng hạn, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thẩm quyền của từng cấp, song nếu Luật Đầu tư công (sửa đổi) được triển khai thì có một số điều có liên quan sẽ thay đổi. Do vậy, cần có quy định cụ thể hơn, luật nào ra đời sau thì áp dụng theo luật đó.

“Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, cần rà soát lại thẩm quyền quyết định cũng như chi tiết từng cấp”- ông Bình đề nghị.

Cũng đánh giá cao dự thảo trong việc phân cấp, phân quyền, đại diện tỉnh Quảng Nam đề xuất, bổ sung quy định dừng dự án không triển khai. “Cơ quan, thẩm quyền ai quyết định chủ trương đầu tư thì quyết định dừng để bảo đảm quy định của pháp luật”.

Lấy ví dụ Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kì 2024 – 2029, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường cho biết: đây là Dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội cho phép giao trực tiếp cho địa phương có liên quan quản lý. Đồng thời, Dự án được thực hiện cơ chế đặc thù là tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Chính nhờ cơ chế đặc thù này nên tiến độ triển khai Dự án rất nhanh. Chỉ một năm sau khi được Quốc hội thông qua, về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, trong khi phần lớn các dự án khác ở một số địa phương luôn ách tắc chính là ở khâu này.

Theo ông Hoàng Văn Cường, việc trao quyền cho địa phương thực hiện thực chất là giao trách nhiệm để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời cũng tạo cơ chế để giám sát tốt hơn. Bên cạnh sự giám sát của cơ quan quản lý ở Trung ương thì người dân địa phương cũng được tham gia nhiều hơn trong quá trình giám sát đầu tư, thực hiện hoạt động của dự án. Vì vậy, cần xem xét, đánh giá tổng thể việc thí điểm cơ chế đặc thù để có những điều chỉnh và tạo, cơ chế chính sách mới, áp dụng cho nhiều dự án mới.

Bà Susan Lim - Chuyên gia cao cấp quản lý danh mục đầu tư, Cơ quan Đại diện Thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, giá cao cần có 3 thay đổi lớn nhất: đơn giản hóa thủ tục, trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở các chính quyền địa phương; để có thể chuẩn bị các dự án với các dự án 100% vốn nhà nước… Ngoài ra, với dự án khẩn cấp như thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng hiệu quả hơn.

Cũng ghi nhận những sửa đổi của dự thảo luật, bà Kathleen Whimp, đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ rõ, đầu tư công khối lượng ngày càng lớn khi Việt Nam ngày càng phát triển, quy mô GDP cao, với siêu dự án, cần kéo dài 3 kế hoạch trung hạn.

Việc chuẩn bị mất rất nhiều chi phí, do vậy cần có điều khoản phê duyệt dự án để chuẩn bị cho dự án lớn. "Chẳng hạn như nghiên cứu, phân tích, không chờ dự án ấy làm tổng thể, mà có thể tách phần chuẩn bị thành một dự án riêng", đại diện WB gợi ý và đề xuất cho phép đấu thầu khả thi và tiền khả thi trong cùng một lần để thúc đẩy quá trình phê duyệt dự án.

Luật sửa đổi cho phép giải ngân độc lập vốn vay lại và vốn cấp phát. Về sự thay đổi này, một số đơn vị đồng tình vì trong đợt làm kế hoạch vừa qua, các địa phương đều cho rằng, giải ngân độc lập sẽ thúc đẩy giải ngân và các ngân hàng phát triển cũng ủng hộ điều này.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, sẽ rà soát các nội dung liên quan chuyển tiếp và sẵn sàng văn bản dưới luật khi luật được thông qua. "Chúng tôi sẽ cố gắng có 1 dự luật ổn định, lâu dài, sẵn sàng tiếp thu các góp ý. Mục tiêu là khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế để đạt được các mục tiêu đề ra"- đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

 

Dự kiến Luật áp dụng ngay từ năm 2025

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối triển khai Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời phải chuẩn bị tốt để triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Bộ KH&ĐT đề xuất Luật Đầu tư công sửa đổi được áp dụng ngay từ năm 2025. Do đó, dự kiến dự Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình một kỳ họp với trình tự, thủ tục rút gọn.