Sức mạnh của NATO sau khi thêm "hai mảnh ghép" Phần Lan, Thụy Điển

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tiếp cận các vùng lãnh thổ mới và mở rộng cơ sở hạ tầng của NATO sẽ giúp liên minh theo dõi và kiềm chế Nga.

Trên cây cầu đường sắt bắc qua một dòng sông ngay bên ngoài Vòng Bắc Cực, các công nhân xây dựng Phần Lan đang hối hả hoàn thiện để giúp kết nối bờ biển Đại Tây Dương ở Na Uy, quốc gia thành viên NATO, với biên giới Nga.

Công nhân xây dựng trên cây cầu bắc qua sông Raumo ở Tornio, Phần Lan vào ngày 31/5/2023. Ảnh: Reuters
Công nhân xây dựng trên cây cầu bắc qua sông Raumo ở Tornio, Phần Lan vào ngày 31/5/2023. Ảnh: Reuters

Cho đến tháng 2/2022, dự án điện khí hóa trị giá 37 triệu euro (41 triệu USD) cho đoạn đường sắt ngắn duy nhất nối Thụy Điển và Phần Lan – chỉ đơn giản cho người dân địa phương cơ hội bắt chuyến tàu đêm chiêm ngưỡng ánh đèn rực rỡ của Stockholm.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay khi Phần Lan đã là một phần của NATO và Thụy Điển kỳ vọng sẽ sớm tham gia, những động thái này giúp liên minh định hình lại chiến lược để đối phó với Nga. Việc tiếp cận lãnh thổ mới và cơ sở hạ tầng của NATO sẽ mở ra phương thức để các đồng minh theo dõi và kiềm chế Moscow, đồng thời là cơ hội chưa từng có để coi toàn bộ Tây Bắc Âu như một khối, Reuters dẫn lời giới quan sát nhận định. 

"Đặt Nga trước rủi ro"

Những cải tiến đường sắt của Phần Lan xung quanh khu vực Tornio ở biên giới Thụy Điển là một ví dụ. Dự kiến hoàn thành vào năm tới, hệ thống sẽ giúp các đồng minh dễ dàng gửi quân tiếp viện và thiết bị từ bên kia Đại Tây Dương đến Kemijarvi, cách biên giới Nga một giờ lái xe và bảy giờ từ căn cứ quân sự và căn cứ hạt nhân của Nga gần Murmansk ở bán đảo Kola.

Trong số các lực lượng đóng tại đây, Hạm đội Phương Bắc của Nga có 27 tàu ngầm, hơn 40 tàu chiến, khoảng 80 máy bay chiến đấu và kho đầu đạn hạt nhân và tên lửa, theo dữ liệu do Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan (FIIA). Trong trường hợp có xung đột quân sự với NATO, nhiệm vụ chính của Hạm đội là đảm bảo quyền kiểm soát Biển Barents và ngăn chặn các tàu đưa quân tiếp viện từ Bắc Mỹ đến Châu Âu qua vùng biển giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh.

Bên cạnh việc mở rộng lãnh thổ, Helsinki đang mua những tài sản phù hợp, đặc biệt là máy bay chiến đấu, "để tăng thêm giá trị cho việc phòng thủ ở phía đông bắc, nói thẳng ra là việc đó khiến Nga gặp rủi ro", Thiếu tướng Mỹ nghỉ hưu Gordon B. Davis Jr. nói với Reuters. 

Sự đóng góp của Thụy Điển, vào năm 2028, sẽ bao gồm một thế hệ tàu ngầm mới ở Biển Baltic. 

Những biến chuyển này xuất hiện là có lý do. Theo Phó Giám đốc FIIA Samu Paukkunen, Nga đang tích cực phát triển lực lượng ở Bắc Cực để chống lại phương Tây, một phần dưới vỏ bọc hợp tác kinh tế và môi trường quốc tế. 

Viện nghiên cứu FIIA ước tính các lực lượng vũ trang phương Tây chậm hơn Nga khoảng 10 năm về mặt quân sự ở Bắc Cực.

Đan Mạch, thành viên NATO, đã loại bỏ dần hạm đội tàu ngầm vào năm 2004 và chưa quyết định sẽ đầu tư trong tương lai. Na Uy cũng đang đặt mua 4 tàu ngầm mới, chiếc đầu tiên sẽ được giao vào năm 2029.

Cả hai diễn biến đều cho thấy liên minh mở rộng sẽ định hình lại bản đồ an ninh của châu Âu. Khu vực từ Baltic ở phía nam đến vùng cao phía bắc có thể trở thành một khu vực hoạt động tổng hợp của NATO.

"Đối với NATO, điều quan trọng là phải kiểm soát toàn bộ phần phía bắc, vốn trước đây được xem như mảnh ghép còn thiếu", Trung tá Michael Maus của NATO nói với Reuters. Ông chủ trì nhóm công tác dẫn dắt việc hội nhập quân sự của Phần Lan vào NATO.

Thật vậy, vào tháng 5 Phần Lan tổ chức cuộc tập trận quân sự đầu tiên ở Bắc Cực với tư cách là thành viên NATO tại một trong những căn cứ huấn luyện pháo binh lớn nhất châu Âu cách Vòng Bắc Cực 25 km.

Nếu xảy ra xung đột với Nga ở khu vực Biển Baltic - nơi Nga có khả năng quân sự đáng kể tại St. Petersburg và Kaliningrad - tuyến đường vận chuyển mà NATO sử dụng cho cuộc tập trận đó rất dễ bị tổn thương. Trong khi đó, gần 96% ngoại thương của Phần Lan được vận chuyển qua biển Baltic, phụ thuộc quá nhiều vào vận tải hàng hải.

Tuyến đường sắt đông-tây băng qua vùng cao phía bắc sẽ là giải pháp thay thế mang tính quyết định.

Sức mạnh của Thụy Điển

Ở bên dưới mực nước biển Baltic, chỉ huy tàu ngầm Linden chỉ dẫn tới khu vực của Gotland, một trong bốn tàu ngầm hiện có trong hạm đội của Thụy Điển, dự kiến nâng tổng số tàu của NATO ở các nước Baltic lên 12 vào năm 2028.

Viện Kiel nhận định Nga sẽ bổ sung thêm 1-3 tàu ngầm trong những năm tới, nâng tổng số tàu ngầm Baltic lên 4 chiếc, cùng với hạm đội khoảng 6 tàu chiến hiện đại. 

Sebastian Bruns, nhà nghiên cứu cao cấp về an ninh hàng hải tại Viện Chính sách An ninh của Đại học Kiel, cho biết thêm, Gotlands, giống như các tàu ngầm Type 212 hiện đại của Đức, sẽ là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến nhất của NATO và có thể lưu trú ngoài cảng lâu hơn đáng kể so với hầu hết các loại thông thường khác.

"Không gì có thể đánh bại chúng, theo đúng nghĩa đen. Các tàu ngầm đặc biệt yên tĩnh và rất cơ động", chuyên gia Bruns cho biết. 

Gotland tọa lạc tại Karlskrona, cách Kaliningrad khoảng 350 km qua biển Baltic. Theo Ủy ban An ninh và Hợp tác châu Âu, với trung bình 1.500 tàu buôn bán trên biển Baltic mỗi ngày, đây là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới – và thực sự chỉ có một lối thoát, đó là Biển Kattegatt giữa Đan Mạch và Thụy Điển.

Con đường biển nông và đông đúc chỉ có thể được tiếp cận thông qua ba eo biển hẹp mà tàu ngầm không thể đi qua mà không bị phát hiện.