KTĐT - Theo đánh giá sơ bộ của Cục Phân tích Kinh tế (BEA), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 1/2011 đã giảm xuống 1,8%, từ mức 3,1% trong quý 4/2010.
Tuy nhiên, Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU), thuộc tạp chí Nhà kinh tế, cho rằng sự suy giảm này chỉ là tạm thời do các yếu tố như giá dầu tăng và thời tiết khắc nghiệt; tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 2 sẽ vượt 3% và mức này sẽ được duy trì trong nửa cuối năm nay nếu giá dầu dịu đi.
Số liệu tiêu dùng được quan tâm nhất vì nó chiếm khoảng 71% GDP và giúp nâng đỡ nhu cầu toàn cầu. Theo BEA, tăng trưởng tiêu dùng cá nhân trong quý 1 đã đạt mức khá cao 2,7%, song chỉ số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4% trong quý 4/2010. Điều này làm gia tăng lo ngại rằng giá dầu tăng làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Một số người cho rằng giá xăng dầu leo thang làm mất tác dụng gói kích thích kinh tế được đưa ra hồi tháng 12/2010, trong đó có việc cắt giảm thuế, gia hạn trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, EIU cho rằng không nên thổi phồng tác động trực tiếp của giá dầu cao đối với hoạt động của người tiêu dùng trong quý 1/2011. Tiêu dùng cá nhân vẫn chi phối tốc độ tăng trưởng GDP chung khi nó vẫn đóng góp đến 1,9% (theo số liệu của BEA).
Các yếu tố phụ trợ khác cũng tương đối tốt như doanh số bán lẻ tăng tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 3/2011; thị trường chứng khoán phục hồi làm người tiêu dùng cảm thấy giàu có hơn khi chỉ số S&P tăng khoảng 7% kể từ đầu năm 2011 và tăng 99% so với mức thấp cách đây hai năm.
Dù còn khó khăn nhưng thị trường lao động Mỹ rõ ràng đã cải thiện. Trong tháng 3/2011, lĩnh vực tư nhân đã tạo thêm 230.000 việc làm và trong bốn tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm 1 điểm phần trăm xuống 8,8%.
Trong các yếu tố cấu thành GDP khác, trong quý 1/2011 đã có những thay đổi đáng chú ý trong đầu tư cố định, lượng hàng trong kho của lĩnh vực tư nhân, chi tiêu của chính phủ và ngoại thương. Đầu tư tư nhân vào các dự án xây dựng (không phải để ở) giảm 21,7% so với quý trước, một phần do thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông cản trợ việc xây dựng, nhưng phần khác cũng là do cơ sở so sánh của quý trước khá cao.
Các số liệu mới nhất cũng đánh dấu sự trở lại của "quỹ đạo suy giảm," vốn tồn tại gần như trong tất cả các quý kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu bắt đầu. Điều này cho thấy dù kinh tế phục hồi và các công ty đạt lợi nhuận cao nhưng giới doanh nghiệp vẫn không muốn đầu tư lớn vào nhà máy mới hay nhà văn phòng. Tuy nhiên, họ lại đủ tự tin để mua thiết bị và phần mềm mới. Đầu tư vào danh mục này đã tăng 11,6% trong quý 1/2011, quý tăng thứ 6 liên tiếp.
Những số liệu ít lạc quan khác cho thấy chi tiêu và đầu tư của chính phủ trong quý 1/2011 đã giảm 5,2%, khiến tăng trưởng GDP giảm hơn 1 điểm phần trăm. Lĩnh vực ngoại thương cũng không đóng góp cho tăng trưởng khi xuất khẩu chỉ tăng 4,9% so với mức tăng 8,6% quý trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 4,4%, so với mức giảm 12,6% trong quý 4/2010.
EIU nhận xét kết quả hoạt động kinh tế của Mỹ trong quý 1/2011 là phù hợp với dự báo, song cho rằng đây chỉ là sự suy giảm tạm thời. EIU dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 3,2% trong các quý còn lại của năm 2011 và tăng trưởng của năm này sẽ là 2,7%, trong bối cảnh giá dầu dịu đi vì những lo ngại về nguồn cung eo hẹp từ Trung Đông sẽ lắng xuống và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu.
Tuy nhiên, theo EIU, kinh tế Mỹ đang đứng trước một vấn đề nghiêm trọng hơn như những yếu kém về cơ cấu dường như sẽ không sớm được giải quyết và điều này sẽ cản trở sự phát triển kinh tế. Dù cải thiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao khoảng 8% trong năm tới. Thị trường nhà ở vẫn rất yếu, với 25% số chủ nhà đang cố gắng khắc phục tình trạng ngân quỹ âm.
Nhìn chung, các hộ gia đình Mỹ vẫn đang phải gắng sức giảm nợ của mình. Quá trình này sẽ đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng./.