70 năm giải phóng Thủ đô

Suy giãn tĩnh mạch và nỗi lo của phụ nữ về đôi chân đẹp

PGS.TS. BS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là “phái đẹp”, ai cũng mong muốn sở hữu đôi chân thon gọn, mịn màng và khỏe mạnh, bởi đôi chân đẹp là điểm nhấn tạo nên sự hấp dẫn cho dáng vóc phụ nữ.  Tuy nhiên, nét duyên ấy luôn là mục tiêu nhằm tới của một căn bệnh: Suy giãn tĩnh mạch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh phổ biến

Tại nhiều nước trên thế giới, các bệnh lý tĩnh mạch luôn được ngành y tế và xã hội quan tâm vì mức độ phổ biến cao. Trong đó, suy giãn tĩnh mạch là bệnh ai cũng có thể mắc phải, nhất là phụ nữ, do đặc thù yếu tố về nội tiết tố hay nghề nghiệp cá nhân như nghề giáo viên, bán hàng ở siêu thị và ngay cả những người nội trợ… vốn cần phải đứng lâu, nhưng mang giày dép không phù hợp. Một báo cáo cho biết, 70% số lượng bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới là ở “phái đẹp”, tuy nhiên, bệnh vẫn chưa được nhiều chị em quan tâm đúng mức.

Theo thống kê trong một nghiên cứu của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, số lượng bệnh nhân trước đó chưa từng biết bệnh tĩnh mạch lên đến 77,6%, để đến khi phát bệnh, các chị em lại ngỡ ngàng. Điều này khiến không chỉ nếp sống sinh hoạt, công việc hàng ngày của chị em bị ảnh hưởng mà cả thẩm mỹ đôi chân cũng bị đe dọa. Vậy suy giãn tĩnh mạch là gì mà lại “gây phiền” cho phái đẹp như thế?

Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh do chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy yếu, máu không thể trở về tim dễ dàng mà bị ứ lại ở các tĩnh mạch chân, tạo nên phản ứng viêm tại tĩnh mạch. Theo cơ chế hoạt động thông thường, khi bước đi, bàn chân chạm đất tạo nên áp lực, đẩy máu từ tĩnh mạch gan bàn chân lên trên.

Ngay lúc đó, cơ co lại, tạo thành lực ép, đẩy một phần máu lên phần trên của cơ thể, thêm vào đó nhờ cơ hoành máu sẽ được hút về tim nhờ lực hút tạo ra khi người hít thở. Giữa các lực hút và đẩy trên, máu được giữ lại cố định trong khoảng thời gian ngắn mà không chảy ngược xuống dưới là nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch.

Nếu quá trình trên gặp trục trặc, máu sẽ bị ứ đọng ở chân, về lâu dài gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch vùng chân. Bạn sẽ thấy tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, chân bị phù nề, sưng tê, thường xuyên có cảm giác như kiến bò dọc cẳng chân, và thường bị chuột rút vào ban đêm.

Cách phòng ngừa

Với phái đẹp, có thể nói ngoài da mặt, một đôi chân nuột nà, thu hút ánh nhìn người xung quanh luôn là niềm mong ước của nhiều người. Vì vậy, không ít chị em chịu khó nâng niu “gót sen” của mình bằng nhiều loại sản phẩm dưỡng da chân đắt tiền, hoặc tẩy tế bào chết. Hay để có một thân hình thẳng, dáng đi uyển chuyển, nhiều chị em còn cất công chọn lựa kiểu giày cao gót đắt tiền nhằm tạo nên dáng đi chuẩn mực.

Trong khi mải chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài, các chị em quên mất rằng, việc thường xuyên đứng quá lâu, nhất là với giày cao gót, cũng là một trong những nguyên nhân khiến tĩnh mạch suy giãn. Với phái đẹp làm công việc văn phòng, thói quen ngồi bắt chéo chân tạo dáng khi ngồi sẽ góp phần làm tổn hại tĩnh mạch chi dưới sau này.

Ban đầu, khi chưa có nhiều triệu chứng, bệnh nhân dễ chủ quan, lơ là, và nhầm tưởng chỉ là các triệu chứng tạm thời. Nếu không nhanh chóng phát hiện rồi điều trị đúng cách, bệnh dễ tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể gây ra biến chứng như hình thành các cục máu đông, và có thể gây thuyên tắc phổi dẫn đến tử vong.

Một khi đã bị suy giãn tĩnh mạch, tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân sẽ được khuyến khích thay đổi lối sống tránh đứng lâu, ngồi nhiều, tăng cường thể dục, kết hợp việc điều trị bằng thuốc có tác dụng điều trị để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển. Bên cạnh đó, có thể kết hợp việc mang vớ (tất) tĩnh mạch, có các biện pháp can thiệp, phẫu thuật tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.

Việc điều trị cần kiên trì vì khá mất thời gian, công sức, nên mọi người cần chủ động phòng tránh hoặc sớm nhận biết các triệu chứng ngay từ ban đầu.
Để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, lời khuyên dành cho phái đẹp là nên tập thói quen vận động, tránh đứng một chỗ quá lâu, và ngồi yên trong thời gian dài.

Nếu do nhu cầu công việc phải đứng lâu, bạn có thể nhịp chân, luân phiên thay đổi tư thế đứng chùng chân. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, hoặc xoa bóp đôi chân trước và sau khi ngủ cũng là cách hỗ trợ cho máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, chị em cần có kế hoạch tầm soát bệnh suy giãn tĩnh mạch sớm để bảo vệ đôi chân của mình.