Suy thận mạn ở trẻ: Hậu quả khôn lường

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suy thận mạn ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy giảm chức năng thận từ từ và kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến sự ứ đọng nước, các chất độc độc hại trong cơ thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.

Mới 5 tuổi đã mắc chứng thận hư

Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh mới đây đã khám và điều trị cho cho bệnh nhi N.H.A., 5 tuổi, mắc chứng thận hư. Bệnh nhi được cho nhập viện vì gia đình thấy tăng cân bất thường, phù to toàn thân, tiểu ít và ho. Xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy tình trạng protein (albumin) giảm, cholesterol trong máu tăng, protein nhiều trong nước tiểu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng thận và điều trị theo phác đồ. 

Các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối đang được điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối đang được điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hoa, Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh cho biết, hội chứng thận hư ở trẻ em là tình trạng một lượng lớn protein (albumin) bị mất qua nước tiểu, gây ra tình trạng giảm protein trong máu.  Protein có vai trò quan trọng trong việc giữ nước ở lòng mạch. Khi lượng protein trong máu của trẻ đủ thấp thì nước sẽ thoát ra các mô kẽ, gây tình trạng phù nề.

Vì vậy, trẻ bị hội chứng thận hư có triệu chứng nước tiểu có nhiều bọt, đôi khi có tiểu máu, phù ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể như mặt, tay, chân, bụng, tràn dịch đa màng… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hội chứng thận hư có thể biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sự phát triển, thậm chí là tính mạng của trẻ như: Suy thận cấp, chèn ép tim cấp do tràn dịch màng tim, nhiễm trùng huyết… Đặc biệt, hội chứng thận hư kháng thuốc có thể bị suy thận mạn tính dẫn đến nguy cơ phải lọc máu và ghép thận...

Trẻ suy thận mạn sẽ kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao
Trẻ suy thận mạn sẽ kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh thận nặng nhưng bỏ điều trị để sử dụng thuốc nam. Sau đó đều phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Đơn cử như bệnh nhi N.V.T. (12 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) đã sống chung với căn bệnh thận hư từ năm lên 7 tuổi. Khi được điều trị, cháu bé đáp ứng thuốc rất tốt. Tuy nhiên, bố mẹ cháu nghe người hàng xóm mách mua thuốc nam ở Thái Bình uống là chữa được bệnh.

Trẻ uống thuốc khoảng 1 tuần thì tình trạng phù tăng lên nhanh chóng, cháu mệt mỏi. Gia đình đưa con vào bệnh viện trong tình trạng rất nặng và phải lọc máu do suy thận kèm tình trạng phù phổi nặng, nhiễm trùng do biến chứng của hội chứng thận hư.

Việc ghép thận thành công ở trẻ em cải thiện nhiều bệnh lý ở trẻ, giúp phát triển giới tính, thay đổi nhận thức và tâm lý xã hội của trẻ.
Việc ghép thận thành công ở trẻ em cải thiện nhiều bệnh lý ở trẻ, giúp phát triển giới tính, thay đổi nhận thức và tâm lý xã hội của trẻ.

Biến chứng nguy hiểm

Theo các bác sĩ, suy thận mạn ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy giảm chức năng thận một cách từ từ và kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến sự ứ đọng nước, các chất độc độc hại trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.

Điển hình, trẻ có thể mắc tình trạng đau nhức do sưng phù chân tay nặng; tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, phù phổi; thiếu máu, tăng kali trong máu dẫn đến tử vong; xương trẻ bị yếu, giòn, dễ gãy; trẻ kém tập trung do hệ thần kinh bị tổn thương; hệ miễn dịch bị suy giảm dẫn đến nguy cơ mắc kèm nhiều bệnh lý khác. Bên cạnh đó, suy thận mạn còn gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống của trẻ khi thường xuyên phải thăm khám, điều trị tại bệnh viện.

Đối với những trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối chưa ghép thận mà được điều trị phương pháp thay thế là thận nhân tạo sẽ phải đến bệnh viện liên tục 3 – 4 lần/ tuần, khiến trẻ không thể đi học, vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi và cũng gây gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Bác sĩ Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho 1 bệnh nhi suy thận.
Bác sĩ Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho 1 bệnh nhi suy thận.

Hiện nay, ước tính có khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau. Con số này gấp đôi số lượng người bệnh đái tháo đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư. Người bệnh mắc suy thận mạn giai đoạn cuối để duy trì sự sống sẽ phải điều trị thay thế thận.

Một trong các phương pháp điều trị thay thế thận tối ưu và mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất là ghép thận. Tính từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công 62 ca ghép thận cho trẻ em, mở ra nhiều trang mới cho cuộc đời của các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc – Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau ghép thận, trẻ đa phần cải thiện rõ rệt về sự phát triển thể chất, giảm tỷ lệ thiếu máu và biến chứng tim mạch sau 1 năm, 3 năm và 5 năm. Tuy nhiên, việc ghép thận còn gặp một số khó khăn như chưa có thuốc ức chế miễn dịch tối ưu để loại trừ hoàn toàn sự thải ghép, vẫn còn một số biến chứng sau ghép như nhiễm trùng, ung thư… Khả năng chữa khỏi bệnh suy thận ở mỗi bệnh nhi là khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giai đoạn, nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng, cũng như khả năng đáp ứng phương pháp điều trị.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên chủ động đưa con đi thăm khám nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh suy thận hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, trẻ sẽ có cơ hội phục hồi hoàn toàn.

Với bệnh nhi đã được chẩn đoán suy thận cấp, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, không tự ý bỏ thuốc, không sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, tránh làm tình trạng trẻ nặng hơn và chuyển từ suy thận cấp sang suy thận mạn.