Tác động khó lường với kinh tế toàn cầu

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù rất khó để nói chính xác thiệt hại kinh tế bởi Covid-19 sẽ đến đâu, nhưng hầu hết các dự báo và phân tích của giới chuyên gia đều cho thấy những tác động nghiêm trọng kéo dài đối với nền kinh tế toàn cầu.

Thiệt hại sâu rộng
Theo một báo cáo do Viện Brookings công bố về tác động xã hội & kinh tế của Covid-19 vào tháng 6/2021, nền kinh tế toàn cầu đã phải chịu một sự gián đoạn lớn. Tình trạng suy thoái hiện nay đã vượt qua mức suy thoái sau Thế chiến II. Tương tự như vậy, báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố vào tháng 4/2021 cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã ghi nhận mức suy giảm 7%. Mất mát này đã ảnh hưởng xấu đến các khu vực nghèo nhất trên thế giới.

Dư chấn của các đợt phong tỏa chống dịch khắc nghiệt đã tác động lớn đến xu hướng tăng trưởng GDP và có thể sẽ là một “triệu chứng” lâu dài. Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển còn chịu thêm gánh nặng với những thách thức về hệ thống y tế. Ví dụ, Ấn Độ đã phải đối mặt với những hậu quả kinh tế đáng kể và trong những năm tới nước này sẽ phải tập trung vào việc cải thiện việc cung cấp hệ thống y tế của mình.
Một bảng thông tin tại Sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản, hiển thị loạt chuyến bay bị hủy do lo ngại về biến thể Omicron, tháng 11/2021. Ảnh: AP
Hơn nữa, đại dịch nói chung đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập do tỷ lệ mất việc cao, gia tăng nghèo đói và tử vong sớm. Sụt giảm trong sản xuất đã tạo ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đóng cửa các nhà máy. Ngoài sự bất bình đẳng về sản xuất, tác động của đại dịch Covid-19 vẫn làm gia tăng tính dễ bị tổn thương đối với các nước có độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thấp. Sự bất bình đẳng này phổ biến do khoảng cách thu nhập cao hơn tương đối giữa 20 nền kinh tế hàng đầu với các nền kinh tế còn lại.

Ngành du lịch và lữ hành đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Đây là lĩnh vực đóng góp lớn thứ 3 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đối với một số quốc gia, du lịch là ngành công nghiệp chủ đạo và đã mang lại trên 20% tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong thời kỳ đại dịch, ngành du lịch ngừng hoạt động ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người. Một báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính, đại dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD chỉ trong năm 2021.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng đang cho thấy một số ngành có thể được hưởng lợi. Thương mại điện tử, bán lẻ thực phẩm, công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe mang lại ít nhất một số tăng trưởng kinh tế để bù đắp thiệt hại. Đặc biệt, tăng trưởng số hóa đã có tác động mang tính cách mạng đối với lĩnh vực giáo dục, vốn đã phải đối mặt với sự suy thoái. Ngành công nghiệp lưu trữ dữ liệu, bao gồm những cái tên như Amazon hay NEXDC… đang trải qua một sự trỗi dậy mạnh mẽ, nhờ sự chuyển dịch nhanh chóng sang làm việc tại nhà ở quy mô toàn cầu. Theo một báo cáo của IBISWorld, lĩnh vực này đã cho thấy mức tăng trưởng 12,7% trong một năm so với mức tăng trưởng 11% của 5 năm qua.

Biến số Omicron

Những gì có thể xảy ra tiếp theo với nền kinh tế toàn cầu sẽ được quyết định bởi các khám phá khoa học đối với biến thể Omicron mới, bao gồm khả năng kháng vaccine và khả năng gây bệnh nặng của nó so với biến thể Delta đã hoành hành trong những tháng gần đây.
Trường hợp xấu nhất sẽ là khi sự đột biến này đòi hỏi các nước trở lại phong tỏa, điều này sẽ đe dọa chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và làm tổn hại đến nhu cầu đang phục hồi. Điều đó sẽ làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp “chết chóc” giữa lạm phát nhanh hơn và tăng trưởng chậm hơn.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs mới đây đã chỉ ra 4 khả năng, một trong số đó bao gồm một kịch bản đi xuống, khi một làn sóng lây nhiễm lớn trong quý đầu tiên của năm tới chứng kiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại với tốc độ 2% theo quý hàng năm - thấp hơn dự báo hiện tại của họ là 2,5%. Tăng trưởng vào năm 2022 nói chung sẽ là 4,2%, hoặc thấp hơn 0,4 % so với dự báo.

Một kết quả lành tính là Omicron không gây nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Nhưng sự xuất hiện của nó như một lời nhắc nhở rằng đại dịch sẽ vẫn là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu, có khả năng kéo dài trong nhiều năm tới. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis SA cho biết: “Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ. Nhưng thêm một năm nữa không mở cửa biên giới và tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan có thể đẩy chúng ta đến tình cảnh đó”.

Ngay cả trước khi Omicron được phát hiện, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đã bị mất đà và ngày càng trở nên phân cấp. Quỹ ước tính GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ lấy lại mức trước đại dịch vào năm 2022 và thậm chí vượt mức 0,9% vào năm 2024; tin rằng các thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn kém dự báo trước đại dịch là 5,5% vào năm 2024.

Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Nomura Holdings, nhận định rằng các DN và hộ gia đình đã thích nghi với các hạn chế và phong tỏa. Do đó, mức độ ảnh hưởng có thể không nghiêm trọng trong lần này.
Ông nói: “Điều đó cũng có nghĩa là các khu vực đóng cửa cục bộ khi dịch bùng phát, hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc đi lại trong khu vực và khả năng đóng cửa càng cao hơn”.

Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách khi đối mặt với những dư chấn kinh tế của đợt bùng phát kéo dài sẽ là việc họ có ít lựa chọn hơn sau nỗ lực kích thích kinh tế năm ngoái.
Chỉ một số ít ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ cuối cuộc suy thoái năm ngoái và các tiêu chuẩn quan trọng của thế giới phát triển vẫn ở mức 0, có nghĩa là họ thiếu chỗ để giải cứu một lần nữa.
Các chính phủ đang phải gánh những gánh nặng nợ nần chồng chất. Các nhà giao dịch hiện đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ chậm tăng lãi suất hơn. Các hợp đồng tương lai báo hiệu đợt tăng đầu tiên của Fed có thể sẽ đến vào tháng 7/2022.

Các nhà hoạch định chính sách thường tỏ ra thành thạo trong việc thay đổi chiến lược do tình thế bắt buộc, nhưng nếu sự xuất hiện của Omicron đã ít nhiều cho thấy thách thức về dự đoán trong thời kỳ đại dịch. Chuyên gia Subbaraman bình luận: “Có một điều chắc chắn là sự khó lường về kinh tế sẽ còn gia tăng hơn nữa. Các nhà kinh tế học có thể phải khiêm tốn hơn trong việc dự báo triển vọng năm 2022 sắp tới”.
"Có một điều chắc chắn là sự khó lường về kinh tế sẽ còn gia tăng hơn nữa. Các nhà kinh tế học có thể phải khiêm tốn hơn trong việc dự báo triển vọng năm 2022 sắp tới." - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Nomura Holdings Rob Subbaraman

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần