Tác động nào với châu Á nếu ông Trump đắc cử?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đua vào Nhà Trắng đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo châu Á do những tác động mà nó mang lại cho đất nước cũng như các chính sách quốc gia.

Với việc cựu Tổng thống Donald Trump đang giành được những chiến thắng quan trọng trong các cuộc bầu cử sơ bộ thuộc Đảng Cộng hòa trước thềm cuộc đua chính vào tháng 11 tới, giới quan chức và chuyên gia đang xem xét những chính sách của ông Trump đối với các nước châu Á.

Cựu Tổng thống Donald Trump đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Ảnh: Nikkei Asia
Cựu Tổng thống Donald Trump đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Ảnh: Nikkei Asia

Một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trước sự trở lại của ông Trump là Ấn Độ. Vào năm ngoái, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ, Thủ tướng nước này Narendra Modi đã đồng ý với ông Biden về việc tăng cường quan hệ hợp tác trong nhiều vấn đề, bao gồm cả quân sự. Nếu ông Trump tái đắc cử, nhà lãnh đạo này có thể sẽ phải xây dựng lại mối quan hệ từ đầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định sự thay đổi sẽ không lớn do Ấn Độ luôn là ưu tiên trong chính sách của Mỹ tại châu Á.

“Các chính sách hiện tại của Ấn Độ nhìn chung tương tự với các ưu tiên của ông Trump tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Đông, và tôi kỳ vọng vào sự tăng cường hợp tác trong các liên minh quan trọng mà cả Ấn Độ và Mỹ đang là thành viên” - Dhruva Jaishankar, giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên Ấn Độ cho biết.

Vào tháng 5, New Delhi sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử và nhiều người kỳ vọng về nhiệm kỳ thứ ba của ông Modi.

Không chỉ Ấn Độ, ASEAN cũng chịu ảnh hưởng khi ông Trump quay trở lại, nhưng theo các chuyên gia những tác động phần lớn theo hướng tiêu cực.

Abdul Razak, giám đốc sáng lập của Bait Al Amanah, một tổ chức nghiên cứu của Malaysia, cho biết: “Nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, các nước Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với áp lực phải chọn phe trong các cuộc xung đột địa chính trị. Không có một lựa chọn trung gian nào cho ASEAN”.

Trong bốn năm nhiệm kỳ của mình, ông Trump ít dành sự quan tâm đối với các nước ASEAN khi chỉ một lần tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào năm 2017. Điều hoàn toàn trái người với ông Biden khi vị tổng thống này xem ASEAN là trung tâm của cấu trúc khu vực trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 2/2022. Không những vậy, tổng thống đương nhiệm còn mời các nhà lãnh đạo ASEAN dự thượng đỉnh đặc biệt tại Washington vào tháng 5 cũng như ngay sau đó tuyên bố thành lập Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) tại Nhật Bản.

Trong khi đó, ông Trump đã rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được thúc đẩy bởi người tiền nhiệm của mình là Barack Obama, do lo ngại về việc sẽ gây ra mối đe dọa cho ngành công nghiệp và việc làm của nền kinh tế số một thế giới.

Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về việc ông Trump sẽ rút khỏi IPEF, một sáng kiến của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường sự hiện diện về kinh tế của Mỹ tại Thái Bình Dương trước những ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc. Thỏa thuận này tập trung vào các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, khử carbon, cở sở hạ tầng và tiêu chuẩn lao động. Ngoài ra, nó cũng bao gồm các biện pháp để thiết lập hệ thống lương thực bền vững, các quy định nông nghiệp dựa trên khoa học. Bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội châu Á hy vọng IPEF sẽ giúp lấp đầy khoảng trống được tạo ra khi Mỹ rời TPP.

Kent Calder, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, cho biết nếu giành chiến thắng, ông Trump có thể sẽ bác bỏ hoặc sửa đổi sáng kiến này vì lý do duy nhất đây là kế hoạch do ông Biden khởi xướng. Tuy nhiên, cho dù quay trở lại, ông Trump cũng khó có thể rút Mỹ khỏi thỏa thuận quan trọng này do có thể ảnh hưởng đến uy tín của siêu cường đứng đầu thế giới này.