Yếu tố quan trọng giúp Nga chiếm thế thượng phong tại Bắc Cực
Kinhtedothi - Từ con tàu Lenin huyền thoại - tàu phá băng hạt nhân đầu tiên trên thế giới, cho đến “Yakutia” hiện đại, Nga đang định hình lại bản đồ chiến lược toàn cầu tại vùng đất lạnh giá nhất hành tinh.
“Át chủ bài” của Nga tại Bắc Cực
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev nhận định rằng “Chiến tranh Lạnh” chưa bao giờ kết thúc, nó chỉ chuyển đến Bắc Cực và trở thành một cuộc đua hạt nhân.
Tại Diễn đàn Bắc Cực lần thứ 6 tổ chức ở Murmansk cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cam kết của Nga trong việc mở rộng đội tàu phá băng hạt nhân.
“Là quốc gia sở hữu đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, chúng ta phải tiếp tục củng cố vị thế của mình bằng cách đưa vào hoạt động các tàu phá băng tiên tiến, đặc biệt là các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mà chỉ Nga có thể chế tạo. Không quốc gia nào có đội tàu tương tự như vậy”- nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Nga hiện tại là siêu cường về số lượng tàu phá băng. Được biết, Nga hiện sở hữu ít nhất 50 tàu phá băng – trong đó có ít nhất 13 chiếc có thể hoạt động ở Bắc Cực và 7 chiếc sử dụng năng lượng hạt nhân – cùng với một mạng lưới cảng biển đáng kể tại khu vực này.
Ngay hôm 2/4 vừa qua, tàu phá băng hạt nhân Yakutia, tàu thứ tư của Dự án 22220, đã hoàn thành thử nghiệm trên biển và bắt đầu hoạt động dọc theo Tuyến đường Biển Bắc (NSR). Yakutia là một trong những tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân mạnh mẽ nhất thế giới.
Dự án 22220 bắt đầu từ năm 2013, theo đó Nga dự kiến chế tạo ít nhất 7 chiếc tàu phá băng hạt nhân. Ba tàu – Arktika, Siberia và Ural – đã đi vào hoạt động. Tàu đầu tiên, Arktika, được đưa vào phục vụ năm 2020, trở thành tàu chủ lực trong các nỗ lực khám phá Bắc Cực của Nga. Các tàu Siberia và Ural lần lượt được đưa vào hoạt động năm 2021 và 2022. Hai tàu bổ sung, Chukotka và Kamchatka, hiện đang được chế tạo. Tàu thứ bảy, Sakhalin, sẽ được khởi đóng vào cuối năm nay.
Các tàu phá băng hạt nhân tiên tiến như Yakutia được thiết kế đặc biệt để hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực, có khả năng phá lớp băng dày tới 3 mét. Thiết kế thân tàu độc đáo giúp tăng cường khả năng cơ động trong môi trường lạnh giá và băng dày đặc. Được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân tạo ra tổng công suất 60 megawatt, các tàu này có thể vận hành liên tục trong vài tháng.
Hiện nay, các tàu của Nga đều là những tàu phá băng mạnh mẽ và hiệu quả nhất trên thế giới. Quan trọng hơn, Moscow đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu, với 92% linh kiện của mỗi tàu được sản xuất trong nước. Mục tiêu của Nga là tự cung cấp hoàn toàn các bộ phận cho tàu phá băng hạt nhân trong tương lai.

Tàu phá băng hạt nhân Yakutia của Nga, tàu thứ tư của Dự án 22220, đã hoàn thành thử nghiệm trên biển vào ngày 2/4.
Ảnh: Maritime
Tàu lớp Yakutia dự kiến sẽ thay thế những tàu cũ sắp hết niên hạn hoạt động. Khi các tàu mới đi vào hoạt động, các tàu cũ như Taimyr, Vaigach và Yamal sẽ bị loại biên. Mặc dù đã được gia hạn hoạt động đến năm 2027, nhưng những tàu phá băng cũ này cuối cùng sẽ được thay thế bằng những tàu hiện đại và mạnh mẽ hơn.
Hiện tại, Atomflot - công ty vận hành đội tàu phá băng cơ bản của Nga, đang quản lý 9 tàu, bao gồm tàu vận chuyển Sevmorput, 2 tàu phá băng lớp sông (Taimyr và Vaigach), tàu phá băng lớp biển như Yamal và tàu Dự án 10521 mang tên “50 Năm Chiến Thắng”, cùng với các tàu Dự án 22220 mới nhất.
Những tàu này hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của Nga tại Bắc Cực và thiết lập các tuyến đường hàng hải có thể đi lại từ Murmansk đến Kamchatka dọc theo tuyến NPR.
Ngoài tàu phá băng hạt nhân, Nga còn duy trì các tàu phá băng thông thường và đang chế tạo 4 tàu tuần tra lớp băng thuộc Dự án 23550. Đội tàu mạnh mẽ này làm tăng khả năng hoạt động hàng hải quanh năm của Nga ở Bắc Cực, bảo vệ các tuyến hàng hải thông thường và bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga trong khu vực.
“Các tàu phá băng hạt nhân của Nga đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động giao thông hàng hải dọc theo Tuyến đường Biển Bắc và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú dưới lớp băng Bắc Cực” – chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin nói với đài Sputnik.
Mỹ, châu Âu ở đâu trong cuộc chơi Bắc Cực?
Khu vực Bắc Cực trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, gồm dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và thủy sản, có thể tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, Bắc Cực còn mang lại những lợi thế chiến lược trong việc phát triển các tuyến đường vận tải xuyên lục địa.
Tuyến NPR của Nga có thể rút ngắn đáng kể thời gian vận tải thương mại giữa châu Âu và châu Á, kết nối Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Bờ Đông Mỹ. Tàu phá băng hạt nhân rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi qua lớp băng ở Bắc Cực.
Trên thực tế, phần lớn các tàu thuyền của châu Âu và Mỹ vẫn chưa được trang bị đầy đủ để thích nghi với môi trường khắc nghiệt tại Bắc Cực. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở sự thiếu hụt tàu phá băng – những con tàu chuyên dụng đắt đỏ nhưng cực kỳ quan trọng để hoạt động tại Tuyến Hàng hải Tây Bắc cũng như toàn bộ khu vực này.
Giới chuyên gia cho rằng, trong trường hợp Đan Mạch quyết định đặt hàng một đội tàu phá băng mới ngay từ bây giờ, thì việc đóng các con tàu đó cũng sẽ mất tới vài năm.
Gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trumpp đã tích cực thảo luận về vị trí địa chính trị của Greenland. Điều này cho thấy, Mỹ, vốn bị tụt lại trong cuộc đua khám phá Bắc Cực, đang tìm cách khôi phục ảnh hưởng. Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch có tầm quan trọng chiến lược tại Bắc Cực có thể giúp Mỹ đạt được điều đó.
Tuy nhiên, Mỹ hiện không có đội tàu phá băng hạt nhân tương đương với Nga và vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc vận hành ngay cả với các tàu phá băng thông thường, điều này hạn chế đáng kể khả năng của Mỹ tại Bắc Cực.
Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin, không có quốc gia nào trên thế giới có nhiều tàu phá băng hạt nhân như Nga. "Mỹ đang cố gắng thực hiện kế hoạch xây dựng đội tàu phá băng hạt nhân đầu tiên của mình. Trong khi đó, Nga đang sở hữu 11 tàu phá băng hạt nhân, 7 trong số đó đang hoạt động thường xuyên ở tuyến NPR. Không một nước nào trên thế giới có thể so sánh với tàu phá băng của Nga về sức mạnh và khả năng nghiền nát lớp băng Bắc Cực dày khoảng 2,5 mét", chuyên gia Litovkin nhấn mạnh.
Hồi năm 2020, Mỹ đã công bố kế hoạch chế tạo một tàu phá băng hạt nhân mới để củng cố sự hiện diện tại Bắc Cực. Tuy nhiên, trong khi đội tàu phá băng hạt nhân của Nga đã hoạt động, Mỹ vẫn đang ở giai đoạn lập kế hoạch ban đầu.
Bài viết trên tờ The Guardian cho biết, bên cạnh thách thức về công nghệ, phương Tây còn gặp rào cản địa lý trong cuộc đua khám phá Bắc Cực. Theo tờ báo Anh, ngay cả tuyến đường Biển Tây Bắc (qua lãnh thổ Canada và Greenland) – vốn được xem là “lựa chọn thay thế” tuyến NPR của - vẫn chưa thể khai thác hiệu quả.
“Việc mở Tuyến đường Biển Tây Bắc không có nghĩa là băng đã biến mất”- ông Niels Clemensen, Giám đối điều hành Royal Arctic Line của Greenland cho hay. Đồng thời, ông cảnh báo rằng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu cảng biển, thiếu hỗ trợ kỹ thuật và cứu hộ khiến tuyến này khó khả thi nếu không có đầu tư hạ tầng quy mô lớn.

Ukraine nêu quan điểm về đàm phán Nga-Mỹ
Konstantin Eliseev, cựu đại diện thường trực của Ukraine tại Liên minh châu Âu, nhận định những cuộc trao đổi gần đây giữa Mỹ và Nga tại Ả Rập Saudi liên quan đến thỏa thuận Biển Đen chưa đáp ứng đầy đủ các mối quan tâm của Ukraine.

Điện Kremlin lên tiếng về việc Nga-Mỹ khởi động đàm phán hợp tác đất hiếm
Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng việc Moscow và Washington bắt đầu đàm phán về việc hợp tác khai thác đất hiếm đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phục hồi quan hệ hai nước.

Động thái xích lại gần Nga của Mỹ làm dấy lên lo ngại trong NATO
Kinhtedothi - Một số quốc gia châu Âu trong khối NATO đang bày tỏ quan ngại trước khả năng Mỹ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Nga mà không có sự tham vấn đầy đủ với Liên minh châu Âu.