“Tác dụng phụ...”

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục đích chính của các nhà hoạch định chính sách khi đầu tư dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông là vận chuyển hành khách; điều này có ý nghĩa chiến lược và tầm nhìn tương lai về giao thông cho Hà Nội. Khởi công từ năm 2011, đã tròn một thập niên trôi qua, dù chưa biết đến khi nào đi vào vận hành chính thức, nhưng ít nhiều gì thì đến nay, con đường này đã bắt đầu phát huy… tác dụng phụ.

Giữa những ngày Hà Nội nắng nóng như đổ lửa, được đi dưới “bóng mát” của tuyến đường sắt trên cao này cảm thấy rất dễ chịu, bởi nó thay thế cho hàng xà cừ cổ thụ bên đường trước đây. Những lúc mưa gió, người đi đường cũng có nơi trú tránh an toàn. Nhưng đối với những kẻ vô ý thức, đây lại là nơi đổ trộm rác thải lý tưởng, là một nhà vệ sinh công cộng không mất phí…
 Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần lỗi hẹn đưa vào vận hành chính thức...
Tuy nhiên, nói như vậy chỉ là phản ánh một thực tiễn không mấy vui đang diễn ra, vì không thể bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng làm ra một con đường chỉ để làm nơi tránh nắng, tránh mưa và cho những kẻ vô ý thức đổ trộm rác thải...
Câu hỏi đến bao giờ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới đưa vào vận hành chính thức, đã liên tục được dư luận đặt ra và mong có một câu trả lời chuẩn xác nhất. Cách nay hơn 2 tháng, vào dịp 30/4 - 1/5; Bộ GTVT đã hứa sẽ đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào vận hành chính thức, người dân đã hy vọng sẽ được ngồi trên con tàu để di chuyển và ngắm cảnh TP, nhưng rồi kế hoạch lại đổ vỡ khi tuyến đường ngày tiếp tục "lỗi hẹn" việc đưa vào chạy chính thức.
Và trong khi người dân vẫn "mòn mỏi" mong chờ được chính thức được sử dụng đường sắt trên cao này để di chuyển, trên thực tế, đến nay con đường ngàn tỷ này chỉ mới “phát huy tác dụng phụ”!