Nói cách khác là cần hình thành nhiều trung tâm phát triển, thu hút dân cư hơn nữa ở khu vực ngoài nội đô để kéo giãn áp lực giao thông.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, hiện hầu hết bệnh viện, trường học lớn, và không ít cơ quan công sở đang nằm sâu trong nội đô. Theo đó, cơ hội về việc làm, nhu cầu sinh sống, đi lại cũng tập trung dồn vào lõi đô thị trong khi khu vực ngoại thành còn nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển.
“Với nhu cầu đi lại hướng tâm lớn như hiện nay, hạ tầng rất khó để đáp ứng được hết, kể cả khi hình thành đầy đủ các tuyến ĐSĐT, phát triển VTHKCC đến trình độ cao. Muốn giảm tải cho giao thông phải giãn dân ra khỏi nội đô, đó là điều kiện tất yếu” - ông Phan Trường Thành nói.
Điều này cũng được đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lý giải, mối quan hệ giữa chất tải thêm hạ tầng (nhà ở, công sở, trung tâm thương mại dịch vụ) và khả năng đáp ứng của hệ thống giao thông chưa được lượng hóa trên phạm vi nội thành và từng khu vực. “Do đó việc kiểm soát phát triển rất khó thực hiện theo hướng đồng bộ với quy mô hạ tầng giao thông đô thị theo từng thời kỳ phát triển” - vị này cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, khu vực nội đô Hà Nội thường xuyên UTGT chủ yếu do thu hút quá lớn nhu cầu đi và đến. Người dân muốn đi học, chữa bệnh, mua sắm, làm việc… đều hướng vào tâm TP, nơi có bệnh viện, trường học, công sở, hệ thống dịch vụ thương mại chất lượng, sầm uất hơn hẳn ngoại thành.
Thạc sĩ Phan Trường Thành chia sẻ: “Nhìn vào thực tế, các tháng Hè, do học sinh, sinh viên nghỉ học, giao thông “dễ thở” hơn hẳn. Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, khi các trường hoạt động trở lại, UTGT diễn biến khó lường hơn, ngày nào cũng xảy ra ùn tắc. Nếu các trường đại học di chuyển khỏi nội đô, chắc chắn sẽ hạn chế được UTGT”.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nội dung liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội đã được đặt ra với định hướng mới. Bộ Chính trị, T.Ư đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan trực tiếp, gián tiếp đến định hướng, không gian phát triển đô thị của Thủ đô.
Ví dụ như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội cần xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và Tây Hà Nội; xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển Vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)…
Đây là định hướng vô cùng quan trọng, cơ sở để tái cấu trúc đô thị Hà Nội theo hướng đa cực, đa trung tâm.
Càng hình thành nhiều trung tâm phát triển, tạo ra việc làm, đáp ứng nhu cầu sinh sống, học tập, khám chữa bệnh, mua sắm… dân cư sẽ được kéo giãn ra khỏi nội đô, áp lực giao thông hướng tâm sẽ được giải toả và phân bổ đồng đều hơn trên phạm vi toàn TP.
Đối với giai đoạn trước mắt, đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội kiến nghị: “Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cần sớm có cơ chế, chính sách và kế hoạch khả thi di dời những trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện lớn, cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô theo đúng quy hoạch được duyệt để góp phần giảm áp lực lên hệ thống giao thông đô thị”.