Tái định hình quan hệ Anh – EU

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chuyến công du một ngày tới Anh quốc hôm 28/2, lịch trình bận rộn cùng những bài phát biểu mềm mỏng của Thủ tướng Đức Angela Merkel được các nhà quan sát nhận định là nhằm thuyết phục chính quyền và người dân xứ sở sương mù "ở lại" với Liên minh châu Âu (EU).

Trước chuyến thăm, những ý kiến trái chiều về tư cách thành viên EU của Anh đã gây ra không ít sóng gió trên chính trường nước này và buộc London phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào năm 2017. Dưới sức ép của một số thành phần hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ và từ đảng Độc lập Anh (UKIP) phản đối EU trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu vào tháng Năm tới và cuộc tổng tuyển cử tại Anh tháng 5/2015, Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa sẽ "định hình lại" mối quan hệ Anh - EU nếu thắng cử và dành cho người dân quyền lựa chọn ra đi hay ở lại liên minh này bằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2017. Trong số những yêu cầu mà Anh đưa ra về cải cách EU hiện nay có việc hạn chế quyền di chuyển tự do trong EU đối với công dân từ các nước thành viên mới nghèo hơn, ngăn chặn việc lạm dụng quyền tự do di chuyển này để trục lợi chế độ phúc lợi xã hội, đấu tranh với tệ quan liêu giấy tờ của EU và tăng tính cạnh tranh.
Thủ tướng Anh David Cameron và người đồng cấp Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh David Cameron và người đồng cấp Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP

Vì thế, trong bài phát biểu lịch sử trước cả hai viện Quốc hội Anh - một sự kiện vốn rất ít dành cho rất ít nguyên thủ nước ngoài, Thủ tướng Merkel thừa nhận bà không kỳ vọng có thể đáp ứng hoàn toàn những yêu cầu mà Anh nêu ra trong việc cải tổ EU, nhưng EU thực sự cần thay đổi và Anh không nên rời khỏi liên minh gồm 28 nước thành viên này. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh mục tiêu chung của các nước EU là trở thành "một hình mẫu cho các khu vực khác của thế giới" và để duy trì mục tiêu này, châu Âu cần một nước Anh vững mạnh có tiếng nói quan trọng trong EU. Để "giữ chân" Vương quốc Anh, Thủ tướng Đức cho biết sẽ ủng hộ nguyện vọng của ông Cameron ngăn chặn việc lạm dụng quy định của EU về di chuyển tự do liên quan đến các hành vi trục lợi phúc lợi xã hội, mặc dù cho rằng điều luật cho phép di chuyển tự do giữa các nước thành viên là một thành tựu quan trọng của EU. Trước đó, trong chuyến công du đầu tiên đến nước Anh kể từ sau khi nhậm chức, hôm 8/2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier còn tuyên bố không phản đối việc sửa đổi các hiệp ước trong liên minh như đề xuất của London.

Những tuyên bố trên của bà Merkel cho thấy có một sự chuyển biến trong quan điểm của Đức nói riêng và EU nói chung về vai trò của Anh trong liên minh. Anh - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu (sau Đức) và là thủ đô tài chính của lục địa già… chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để nói lên tầm quan trọng của nước này đối với EU. Trong bối cảnh còn đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, tài chính như hiện nay, nếu London "dứt áo ra đi", EU sẽ đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. Do dó, cam kết "tái định hình" quan hệ Anh - EU được đánh giá là bước đi khôn ngoan của Thủ tướng Đức để "níu chân" London, ổn định tình hình EU và giải quyết những khó khăn trước mắt.