70 năm giải phóng Thủ đô

Tại huyện Sóc Sơn: Trắng tay vì “sổ đỏ ảo” - Bài 1: Sổ đỏ chỉ có trong hồ sơ lưu

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 1998, gia đình ông Nguyễn Văn Tình và bà Hà Thị Chúc (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sau đây gọi là sổ đỏ) cho diện tích đất 12.984m2.

Không hiểu vì nguyên nhân gì, đến nay “khổ chủ” vẫn chưa nhận được sổ đỏ, dẫn đến mất quyền lợi khi Nhà nước thu hồi đất…

Bài 1: Sổ đỏ chỉ có trong hồ sơ lưu

Gần 10 năm mỏi mắt chờ đợi, đến nay, vợ chồng ông Tình, bà Chúc vẫn chưa nhận được sổ đỏ của 12.984m2 đất tại khu 569. Năm 2011, khi dự án Nhà máy gạch tuynel Bắc Sơn (DA) triển khai thì phần lớn diện tích trên không được đền bù vì bị chính quyền xã coi là đất công.

Có như không…

Theo ông Nguyễn Văn Tình, năm 1992, gia đình ông được giao 2 mảnh đất tại khu vực 569 (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) với tổng diện tích 12.894m2. Năm 1998, diện tích trên đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp sổ đỏ. Mảnh đất thứ nhất mang tên Hà Thị Chúc (thửa số 08, tờ bản đồ số 08), diện tích 7.510m2, số giấy chứng nhận (GCN) K142287, số thứ tự cấp sổ 01608). Mảnh đất thứ hai mang tên Nguyễn Văn Tình (thửa số 23 (02), diện tích 5.384m2, số GCN K142286, số thứ tự cấp sổ 10610). Nhưng đến nay, vợ chồng ông Tình - bà Chúc vẫn chưa nhận được sổ đỏ!

Hộ ông Tình, bà Chúc mất quyền lợi vì Nhà nước thu hồi đất làm Nhà máy gạch

nhưng không được đền bù. Ảnh: Trần Thụ

Để làm rõ việc 2 quyển sổ đỏ “có cũng như không” của gia đình ông Tình, bà Chúc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn để đặt lịch làm việc. Tiếp chúng tôi vào chiều 24/4, ông Nguyễn Huy Du (Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị) và ông Nguyễn Văn Toàn (Phó trưởng Phòng TN&MT) xin “khất” lịch tiếp phóng viên sang ngày khác do chưa nắm rõ nội dung sự việc (mặc dù trước đó, chúng tôi đã gửi nội dung làm việc cho ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện qua email).

Tại buổi làm việc ngày 24/4, ông Toàn và ông Du đều nói như… đinh đóng cột rằng: Sẽ bố trí thời gian, thu thập toàn bộ tư liệu liên quan đến vụ việc để cung cấp cho phóng viên trong buổi làm việc (như lịch đã hẹn). Nhưng mãi đến 10/5, chúng tôi chỉ được ông Nguyễn Thạch Bỉnh - chuyên viên Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn tiếp. Trong buổi làm việc này, ông Bỉnh cho rằng: Các số liệu về số thửa, diện tích, số GCN… như trình bày của gia đình ông Tình, bà Chúc đều khớp với sổ lưu của ngành. Nhưng đến nay, hồ sơ thửa đất đã bị thất lạc, tuy nhiên trong sổ theo dõi vẫn có tên ông Tình, bà Chúc - việc này chứng tỏ mảnh đất của họ đã được cấp sổ đỏ…

Vẫn trong buổi làm việc này, ông Bỉnh còn cho rằng: Tất cả giấy tờ, hồ sơ liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho hộ ông Tình, bà Chúc hiện không còn lưu tại Phòng TN&MT huyện, mà đã chuyển sang Trung tâm Đăng ký quyền sử dụng đất…

Về việc hộ ông Tình, bà Chúc được cấp sổ đỏ nhưng chưa được nhận, ông Trần Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn thông tin: Hồ sơ lưu tại xã không có ghi chép về việc cấp sổ đỏ của ông Tình, bà Chúc. Nhưng trường hợp ông Tình, bà Chúc không phải cá biệt, vì tại thôn Đồng Trống (xã Bắc Sơn) còn có tới 17 hộ dân dù đã được cấp nhưng đã thất lạc sổ đỏ.

Vậy, sổ đỏ đã được cấp cho người dân, nhưng để thất lạc thì trách nhiệm thuộc về cấp huyện hay cấp xã - đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ những người có trách nhiệm tại huyện Sóc Sơn.

Trắng tay…

Năm 2004, gia đình ông Tình, bà Chúc đã cho ông Trần Bá Tấn (thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) thuê 11.600m2 để hạ mặt bằng lấy đất sản xuất gạch thủ công (thời gian 6 năm) với giá 110 triệu đồng. Năm 2011, hai bên đã có biên bản (viết tay), theo đó, ông Tấn đã trả lại toàn bộ diện tích trên cho gia đình ông Tình, bà Chúc… Việc cho thuê đất giữa ông Tình, bà Chúc và ông Tấn chắc chắn đã được chính quyền xã Bắc Sơn biết đến, vì gia đình ông Tình, bà Chúc đã đóng 18.800.000 đồng, dưới dạng “thu đóng góp xây dựng địa phương”...

Nhưng năm 2011, khi Công ty CP Gốm xây dựng và Thương mại Bắc Sơn (Công ty Bắc Sơn) làm nhà máy gạch tuynel thì phần lớn diện tích có trong sổ đỏ của gia đình ông Tình, bà Chúc không được đền bù vì chính quyền xã nói đây là đất công…

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Trần Đình Cường cho rằng: Toàn bộ khu vực 569 trước đây là đất do đoàn 569 (Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng) quản lý và sử dụng sản xuất gạch. Sau đó đã bàn giao lại cho địa phương từ những năm 1983 - 1985 và người dân tự ý ra canh tác, thực tế toàn bộ khu vực này đều là đất công.

Cũng trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Việt – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bắc Sơn (cựu Phó Chủ tịch xã) cho rằng: Sau khi đoàn 569 trả lại đất, do chính quyền buông lỏng quản lý nên người dân tự ra canh tác, sau đó mua bán trao tay, làm gạch thủ công tràn lan.

Nhưng điều đáng lưu ý là ngày 25/7/2016, UBND xã Bắc Sơn lại có công văn (số 98) gửi báo Hànộimới đề nghị đăng thông tin xin cấp lại sổ đỏ bị thất lạc của hộ bà Chúc! Công văn này nêu rõ: UBND xã Bắc Sơn đang thụ lý hồ sơ xin cấp lại GCN bị thất lạc của bà Hà Thị Chúc. Thông tin liên quan đến GCN số: K142287, số vào sổ cấp GCN: 01608 (do UBND huyện Sóc Sơn cấp ngày 25/3/1998), cho thửa đất số 08, tờ bản đồ số 08, diện tích ghi trên GCN là 7.510m2 (đất ở 1.200m2, đất vườn 6.310m2). Địa chỉ thửa đất ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn…

Năm 2010, UBND xã Bắc Sơn đã giới thiệu địa điểm để Công ty Bắc Sơn xây Nhà máy gạch tuynel Bắc Sơn. Lúc này, ông Trần Bá Tấn đã đem diện tích trước đây đã thuê của gia đình ông Tình, bà Chúc góp cổ phần vào nhà máy gạch. Đến lúc này, gia đình ông Tình, bà Chúc trở nên… trắng tay!

Việc UBND xã Bắc Sơn trả lời cơ quan báo chí diện tích đất tranh chấp là đất công là cố tình nói sai sự thật, bởi:

Thứ nhất: UBND là đơn vị kê khai cấp GCN quyền sử dụng đất (QSDĐ), hiện có sổ theo dõi còn lưu thông tin, nên không thể không biết về lai lịch đất của hộ ông Tình, bà Chúc.

Thứ hai: Trong quá trình sử dụng đất, ông Tình cho ông Tấn thuê, có đóng góp kinh phí cho địa phương (hiện, ông Tình còn giữ bản gốc phiếu thu), UBND xã không thể không biết.

Thứ ba: Năm 2016, UBND xã có công văn gửi báo Hànộimới đề nghị đăng tin để cấp lại GCN QSDĐ do thất lạc cho ông Tình, bà Chúc, không thể nói UBND xã không biết… Như vậy là UBND xã Bắc Sơn đã cố tình kê khai sai nguồn gốc đất trong hồ sơ giới thiệu địa điểm xây dựng nhà máy gạch cho Công ty Gốm Bắc Sơn, khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng…

Luật sư Đào Thị Liên

Công ty Luật Tiền Phong (Đoàn Luật sư Hà Nội)

(Còn nữa)