Theo chương trình nghị sự, trong chuyến thăm Tokyo, ông Carter sẽ trao đổi với quan chức quốc phòng chủ nhà để cập nhật cho nội dung thỏa thuận phòng thủ Mỹ - Nhật Bản. Washington và Tokyo hiện đang xem xét lại các hướng chủ đạo trong lĩnh vực này để tăng cường hợp tác quân sự song phương với hy vọng sẽ hoàn thành trước khi Thủ tướng Shinzo Abe công du Mỹ vào cuối tháng này. Hồi tháng 7 năm ngoái, chính quyền Tokyo đã thông qua quyết định lịch sử cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài để giúp các đồng minh. Động thái này mở ra triển vọng để Washington và Tokyo thắt chặt hơn nữa hợp tác quân sự, tăng cường hỗ trợ nhau trong đảm bảo an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tái khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho đồng minh, trước các hành động mà Washington và Seoul cho là khiêu khích liên tiếp từ CHDCND Triều Tiên. Chuyến thăm Hàn Quốc được thực hiện sau khi Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bị tấn công bằng dao ngay tại trung tâm Seoul được xem là thông điệp trấn an của Washington về cam kết tiếp tục hợp tác sâu rộng với đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á này.
Dù chuyến công du hai cường quốc châu Á này có kết quả ra sao đi chăng nữa, Washington vẫn khẳng định quyết tâm củng cố sự hiện diện và tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng này với lịch trình tham dự Hội nghị An ninh thường niên Đối thoại Shangri - la tại Singapore và thăm Ấn Độ vào tháng 5 tới của ông Carter. Hiện, chính sách xoay trục của Washington được nhận định là đang đi đúng hướng trong kế hoạch mục tiêu chuyển 60% lực lượng sang châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2020. Các chuyến đi này chắc chắn sẽ giúp Washington tìm kiếm và thực thi nhiều sáng kiến then chốt trong chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Nguồn: AP)
|