Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tai nạn giao thông: Vẫn nhiều mối lo

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong 7 ngày nghỉ Tết giảm cả 3 tiêu chí nhưng tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) lại diễn biến phức tạp.

Mỗi ngày xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, trong kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021, tình trạng đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến. Trong 2 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 2.355 vụ TNGT, bao gồm 1.503 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 852 vụ va chạm giao thông, làm 1.230 người chết, 780 người bị thương và 968 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 2 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ TNGT, gồm 24 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 14 vụ va chạm giao thông, làm 20 người chết, 13 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ.
 Công tác kiểm soát nồng độ cồn cần tiếp tục tăng cường trong thời gian tới. Ảnh: Sơn Khê
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT vừa có chỉ đạo khẩn tới các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai bảo đảm TTATGT sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo đánh giá của Bộ GTVT, trong 2 tháng đầu năm 2021, tình hình TTATGT trên toàn quốc diễn biến phức tạp, TNGT có xu hướng gia tăng, đã xảy ra một số vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bộ GTVT không quên nhắc lại vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Gia Lai vào ngày mùng 3 Tết khiến 5 người thương vong để làm ví dụ điển hình.

Từ đó, Bộ GTVT yêu cầu những đơn vị trực thuộc và Sở GTVT các địa phương cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại Công điện số 1711/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ GTVT nhấn mạnh, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các xe vi phạm quy định kinh doanh vận tải; xử lý “điểm đen” TNGT trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là đoạn tuyến đi qua khu vực đèo dốc. Đây được coi là hai trong số những giải pháp trọng điểm để tăng cường đảm bảo ATGT và kéo giảm TNGT.

Vẫn còn chủ quan

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, việc Bộ GTVT có chỉ đạo khẩn tới các đơn vị nhằm tăng cường công tác đảm bảo TTATGT sau Tết là rất đúng đắn và cần thiết. Bởi nếu chỉ nhìn vào trong 7 ngày nghỉ Tết (giảm cả 3 tiêu chí) chưa thể đánh giá một cách chính xác, đầy đủ hết tình hình TNGT trong thời gian qua, cụ thể là trong 2 tháng đầu năm.
“Kỳ nghỉ Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, việc TNGT giảm cả 3 tiêu chí là điều dễ hiểu. Nhưng việc xảy ra tới 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của 10 người chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết là điều phải suy nghĩ” – TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Một trong những dữ liệu đáng lưu tâm về tình hình TNGT trong kỳ nghỉ Tết Tân Sửu vừa qua là số vụ cấp cứu TNGT do sử dụng bia rượu gia tăng trong khi tổng số bệnh nhân bị tai nạn nói chung nhập viện lại giảm so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê của Bệnh viện Việt Đức trong 6 ngày đầu nghỉ Tết Tân Sửu (từ 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết), số bệnh nhân TNGT giảm 25 ca nhưng số bệnh nhân TNGT có sử dụng rượu bia lại tăng với 49 ca so với năm 2020 (35 ca). Nhận định về tình hình trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, điều này chứng tỏ vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan và thiếu trách nhiệm với chính bản thân cũng như cộng đồng.
“Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông mang đến nguy cơ tai nạn cao không chỉ cho bản thân người điều khiển phương tiện mà cho nhiều người khác” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

"Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền kết hợp siết chặt chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để loại bỏ vấn nạn này ra khỏi cộng đồng sẽ cần thêm thời gian với những gói giải pháp tổng thể trong thời gian tới."- Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy