Câu hỏi
Trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, nếu vợ chồng không thể thỏa thuận được về chia tài sản thì việc nhờ Tòa án phân chia là điều cần thiết. Vậy cụ thể loại tài sản nào sẽ không bị chia đôi khi thực hiện thủ tục ly hôn?
Trả lời
Trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, nếu vợ chồng không thể thỏa thuận được về chia tài sản thì việc nhờ Tòa án phân chia là điều cần thiết. Thông thường mọi người nghĩ rằng khi ly hôn thì sẽ chia đều tài sản cho cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, không phải tài sản nào cũng bắt buộc phải chia đôi.
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các quy định pháp luật: Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Vợ chồng có thể chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc theo chế độ tài sản theo thỏa thuận. Theo đó, những tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nếu hai vợ chồng thỏa thuận là tài sản riêng thì chúng cũng là tài sản riêng.
Nếu hai vợ chồng thỏa thuận được tài sản nào không phải chia đôi thì Tòa sẽ công nhận việc không chia đôi tài sản trong bản án. Ngược lại, với những tài sản chung khác, Tòa sẽ chia đôi sau khi tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên để có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Pháp luật quy định, các tài sản sau đây được coi là tài sản riêng và không bị chia đôi khi ly hôn:Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Cùng đó, các loại tài sản sau đây được coi là tài sản riêng của vợ, chồng (căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình): Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Hà Nội
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn