Tại sao các tỉnh miền Tây tập trung truy quét “tín dụng đen”?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất hiện ở các tỉnh miền Tây cách đây vài năm, “tín dụng đen” phát triển ồ ạt đẩy nhiều gia đình nghèo đến chỗ bế tắc, phải bán nhà cửa, ruộng vườn hoặc bỏ xứ trốn nợ, gia đình tan nát.

Đây là lý do chủ yếu để chính quyền, cơ quan chức năng các tỉnh vào cuộc quyết liệt để đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Tấn công mạnh các nhóm cho vay nặng lãi

Ngày 6/8, trao đổi với báo chí, Thượng tá Trần Trung Quốc - Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đang mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vào các nhóm có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan điều tra hiện đã khởi tố 3 vụ án, 16 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại TP Sa Đéc, huyện Tháp Mười và huyện Tam Nông.

5 nghi phạm bị bắt tạm giam về hành vi cho vay lãi nặng tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Đoàn Diểu
5 nghi phạm bị bắt tạm giam về hành vi cho vay lãi nặng tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Đoàn Diểu

Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay tiền thì vay ở các ngân hàng hoặc liên hệ với các tổ chức đoàn thể ở địa phương để được hỗ trợ, không vay mượn của các nhóm bên ngoài, nhất là các tờ rơi quảng cáo được vay vốn nhanh, thủ tục đơn giản.

Tại An Giang, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” do Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang làm tổ trưởng.

Cơ quan công an đã rà soát lên danh sách các tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho vay nặng lãi, đòi nợ, các điểm giao dịch, trụ sở hoạt động, lưu trú của các nhóm cho vay…; đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phát, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu của “tín dụng đen”.

Trưởng công an các địa phương phải tiếp nhận triệt để các tin báo từ người dân, theo dõi để xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

Trong khi đó, Công an tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận và xử lý 3 tin tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tại thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông. Cơ quan công an cũng đang giám sát 10 tổ chức, công ty với hơn 100 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng…

“Tín dụng đen” - mầm mống phát sinh các loại tội phạm

Tại sao các tỉnh miền Tây tập trung truy quét “tín dụng đen”? - Ảnh 1

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Luân Thị Nương (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” bản chất là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành về lãi suất cho vay tối đa là 20% trên 1 năm, các tổ chức “tín dụng đen” khi cho vay với mức lãi suất cắt cổ đã vi phạm hoàn toàn quy định mức lãi suất được quy định và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

“Tín dụng đen” cũng là mầm mống phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, điển hình như cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người đi vay.

Các hành vi vi phạm pháp luật như vậy của các tổ chức “tín dụng đen” kéo theo rất nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Việc truy quét của chính quyền các tỉnh miền Tây đã cho thấy sự quyết tâm trong công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, “tín dụng đen” đang ngày càng biến tướng, tinh vi và phức tạp hơn. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có xu hướng cấu kết với nhiều đối tượng hình sự, lưu manh, cộm cán hình thành những nhóm tội phạm hoạt động khép kín, lưu động trên địa bàn rộng hoặc sử dụng thủ đoạn núp bóng DN che giấu hoạt động.

“Đáng chú ý, loại hình cho vay tài chính qua mạng internet có xu hướng phát triển, hoạt động biến tướng, lách luật gây khó khăn trong công tác kiểm soát việc xử lý tội phạm tín dụng. Như vậy, nếu như không có sự quyết tâm truy quét mạnh tay các hành vi này, hoạt động “tín dụng đen” sẽ còn biến tướng và gây hậu quả nghiêm trọng hơn nữa đến trật trự an ninh an toàn xã hội” - luật sư Luân Thị Nương nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi cho vay lãi cao có thể cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Tuy nhiên, thủ đoạn đòi nợ của các đối tượng có thể cấu thành các tội khác xâm phạm sở hữu như “Cướp tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”… với hình phạt nặng hơn rất nhiều.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần