Tại sao Mỹ không trừng phạt đượcTaliban?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ chỉ khiến người dân Afghanistan thêm khốn khổ thay vì tổn hại đến Taliban.

Tháng trước, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đưa ra dự luật nhằm gia tăng trừng phạt Taliban vì các hoạt động khủng bố, buôn bán ma túy và vi phạm nhân quyền.

Theo giới quan sát, dù dự luật nêu rõ những vi phạm của Taliban, nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế chỉ khiến người dân Afghanistan thêm khốn khổ.

Mặc dù bản chất của các biện pháp trừng phạt là làm suy yếu đối tượng bị phạt, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán, thế nhưng, một đánh giá gần đây cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ gần như chỉ phát huy được 13% hiệu lực kể từ năm 1970. Không những vậy, trong nhiều trường hợp, các lệnh trừng phạt không những không đạt được mục tiêu đã đề ra mà còn phản tác dụng, làm tổn hại đến lợi ích của Washington. Có thể kể đến lệnh cấm vận trong 70 năm đối với Cuba đã khiến người dân nước này lâm vào khó khăn hay các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đã khiến nước này tăng cường thương mại với Trung Quốc.

Tương tự, việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Taliban vào năm 1999 đã khiến lực lượng này tăng cường hợp tác với al Qaeda.

Người dân ghé thăm một khu chợ ở Kandahar, trước lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo, vào ngày 27/6. Nguồn: Foreign Policy
Người dân ghé thăm một khu chợ ở Kandahar, trước lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo, vào ngày 27/6. Nguồn: Foreign Policy

Các chuyên gia nêu một số lý do khiến việc áp trừng phạt ở Afghanistan không hiệu quả.

Thứ nhất, bản thân Taliban không bị ảnh hưởng. Thực tế, Taliban đang chiếm giữ hoàn toàn lĩnh vực công của nước này, làm lu mờ khu vực tư nhân đang trong tình trạng tê liệt, đồng thời đàn áp thẳng tay những người bất đồng chính kiến. Có thể thấy rằng mục đích chính của tổ chức này là cai trị người dân bằng vũ lực thay vì đảm bảo thịnh vượng về kinh tế. Bên cạnh đó, việc Taliban dựa trên chế độ chuyên quyền để cai trị người dân đã khiến các biện pháp trừng phạt kinh tế gần như không ảnh hưởng đến họ.

Thứ hai, mặc dù các biện pháp trừng phạt này chỉ nhắm vào Taliban, nhưng các tổ chức tài chính quốc tế lại áp dụng không đúng, gây tổn hại cho sự phát triển của khu vực tư nhân dù khu vực này không liên quan đến tổ chức trên.

Hiện khu vực tư nhân đang gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn từ ngân hàng nước ngoài hoặc Hawala (hệ thống chuyển tiền chui). Một năm sau khi Taliban tiếp quản Kabul, phí chuyển tiền qua hệ thống Hawala đã tăng từ 2% lên đến 13%, khiến khu vực tư nhân Afghanistan rơi vào khủng hoảng tiền mặt, mọi hoạt động kinh tế đình trệ.

Không những vậy, kể từ khi Mỹ rút quân vào tháng 8/2021, nền kinh tế Afghanistan xuống dốc không phanh, hậu quả là gần 20 triệu dân lâm cảnh thiếu lương thực.

Theo một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, gần 100% hộ gia đình do phụ nữ làm chủ đối mặt tình trạng thiếu lương thực.  Taliban đang lợi dụng quyền lực để cướp đoạt nguồn viện trợ, thực phẩm của người dân Afghanistan.

Thứ ba, các biện pháp trừng phạt chống lại Taliban chỉ làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ thay vì kiềm chế Taliban. Các lệnh trừng phạt thúc đẩy Taliban tìm kiếm thị trường chợ đen ở các quốc gia như: Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Chỉ một năm sau khi nắm quyền, Taliban đã ký một thỏa thuận nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ và lúa mì của Nga. Đầu năm nay họ cũng ký thỏa thuận năng lượng quốc tế lớn đầu tiên với một công ty Trung Quốc, cho phép công ty này khai thác dầu ở phía bắc Afghanistan, với số tiền ban đầu là 150 triệu USD/năm, sau đó sẽ tăng lên 540 triệu USD trong vòng ba năm.

Thực tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ khiến hàng triệu người Afghanistan rơi vào nghèo đói, khốn  khổ, nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng và nhiều người phải tìm cách chạy trốn khỏi chính quê hương mình. Không những vậy, chính phủ Taliban ngày càng lợi dụng điều này để ra sức áp bức, khủng bố và vi phạm nhiều quy tắc, chuẩn mực thông thường.

Do vậy, giới quan sát cho rằng phương Tây nên cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Taliban, tránh đẩy Afghanistan vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn.