Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại sao Mỹ vẫn chưa mạnh tay với Houthi

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại xung đột leo thang có thể buộc Washington phải hạn chế đáp trả trước các vụ tấn công gần đây của nhóm phiến quân này.

Khi xung đột Hamas-Israel kéo dài được hai tháng, lực lượng Houthi đã thực hiện hơn 100 đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu ở Biển Đỏ cũng như bắt giữ một tàu liên quan tới Israel, khiến mạng lưới giao thông khu vực này bị tê liệt.

Lực lượng Houthi biểu tình tại Yemen. Ảnh: The New York Times
Lực lượng Houthi biểu tình tại Yemen. Ảnh: The New York Times

Những động thái trên nhằm mục đích hỗ trợ lực lượng Hamas tại Gaza khi cả hai nhóm vũ trang này đều được hậu thuẫn bởi Iran.

Người phát ngôn quân đội Houthi, Yahya Sarea, cho biết: “Các cuộc tấn công sẽ tiếp tục cho đến khi Israel chấm dứt hành động gây hấn đối với những người anh em của chúng tôi tại Gaza”.

Về phía Mỹ, hải quân nước này đã triển khai tàu khu trục mang tên lửa định hướng USS Carney tới Biển Đỏ để phòng thủ trước các đợt tấn công. Cuối tuần trước, con tàu này đã bắn hạ 14 máy bay không người lái của Houthi nhắm vào các tàu ở Biển Đỏ.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng rục rịch thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân quốc gia để bảo vệ các tàu thương mại tại Biển Đỏ và Vịnh Aden, gọi chung là Chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng”, thu hút sự tham gia của Anh, Canada, Pháp và Bahrain.

Tuy vậy, chính quyền ông Biden vẫn chưa có động thái trả đũa thực sự đối với lực lượng Houthi tại Yemen. 

Theo một số quan chức Mỹ, một trong những nguyên do chính xuất phát từ việc Washington lo ngại sẽ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Ả Rập Saudi và  Houthi tại Yemen. Trong suốt 8 năm xung đột, hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng bởi các cuộc không kích, giao tranh cũng như bệnh tật và đói khát.

Một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2022 đã góp phần ổn định an ninh tại Yemen, và Washington lo ngại rằng việc tấn công vào lực lượng Houthi tại khu vực này có thể khiến xung đột leo thang, thậm chí có thể kéo cả Iran tham gia vào cuộc chiến.

Tim Lenderking, đặc phái viên của Mỹ tại Yemen, cho biết: "Các bên đều đang tìm cách giảm bớt căng thẳng. Quan điểm chung là thay vì nhấn chìm Yemen trong một cuộc chiến với quy mô lớn hơn, chúng tôi cần phải thuyết phục Houthi từ bỏ hành vi liều lĩnh của họ”.

Mặc dù các cuộc tấn công của Houthi không gây thương vong cho người Mỹ, nhưng chúng lại cản trở các hoạt động thương mại và ngăn cản nhiều tàu thuyền vào cảng Israel. Các nhà phân tích quân sự cho biết nếu Houthi tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công như vậy, quân đội Mỹ sẽ buộc phải có những động thái đáp trả nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Đáp trả quyết liệt trước hành vi tấn công quân đội Mỹ tại Iraq và Syria

Khác với Houthi, Mỹ đang đáp trả quyết liệt trước những cuộc tấn công của các nhóm phiến quân khác nhắm vào quân đội nước này tại Iraq hay Syria.

Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ làm mọi thứ để bảo vệ 2.500 lính Mỹ ở Iraq và 900 lính ở Syria, những lực lượng nồng cốt trong việc chống lại tàn dư của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Các cuộc tấn công của phiến quân trong thời gian gần đây đã khiến hàng chục binh lính Mỹ bị thương vong, trong đó 25 người trong tình trạng nặng.

“Nếu các cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm Iran nhằm vào quân đội Mỹ tiếp tục diễn ra, chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ binh sĩ của mình” – Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III cảnh báo vào tháng 10., tuyên bố được đưa ra sau khi máy bay chiến đấu Mỹ tấn công hai cơ sở liên quan đến lực lượng Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran.