Tại sao tín dụng đen vẫn còn đất sống?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thủ tục cho vay quá dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ”, thời gian qua tín dụng đen đã lây lan rộng khắp đến các vùng miền và có dấu hiệu tăng trở lại. Ngăn chặn, đẩy lùi để tín dụng đen không còn đất sống là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tín dụng đen quy mô xuyên quốc gia

Cuối tháng 5 vừa qua, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia. Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3 - 5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân.

Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570 - 2.190%/năm. Khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà "con nợ" cung cấp trước đó.

Một số nghi phạm trong đường dây cho vay lãi nặng qua app tại cơ quan điều tra ngày 25/5. Ảnh: Minh Tâm
Một số nghi phạm trong đường dây cho vay lãi nặng qua app tại cơ quan điều tra ngày 25/5. Ảnh: Minh Tâm

Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) đã xác lập chuyên án đấu tranh, bóc gỡ toàn bộ đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ có tổ chức trên. Đồng loạt, các mũi trinh sát đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức “tín dụng đen” ở 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, bóc gỡ đường dây, đưa gần 300 đối tượng, trong đó có các đối tượng là người nước ngoài và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra.

Liên quan một vụ việc khác, cuối tháng 5 vừa qua, Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi theo hình thức tín dụng đen xuyên quốc gia do đối tượng người Trung Quốc là Liu Dan Yang (sinh năm 1992, sống ở quận Cầu Giấy) điều hành tại Việt Nam.

Đến thời điểm này, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) đã bắt khẩn cấp 21 đối tượng; trong đó có 5 đối tượng bị bắt về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”; 16 đối tượng khách bị bắt giữ về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.

Phòng Cảnh sát Hình sự bước đầu làm rõ có khoảng 1 triệu tài khoản khách hàng đăng nhập vào hệ thống 3 app cho vay của đường dây trên với dòng tiền giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện hiện tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức tín dụng đen. Với thủ tục cho vay quá dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ”, tín dụng đen đã lây lan rộng khắp đến các vùng miền và có dấu hiệu tăng trở lại.

Người nghèo khó vay vốn của các tổ chức tín dụng

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, các dịch vụ cho vay lãi hiện nay đang nở rộ, đặc biệt là hình thức cho vay qua mạng, qua các trang web hoặc app điện thoại.

Các gói vay này với đặc điểm là giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản và thường được mọi người tìm đến khi cần tiền khẩn cấp trong ngắn hạn, giải quyết khó khăn trước mắt. Việc tham gia vào các giao dịch vay này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đầu tiên là về việc “nhập nhằng” trong cách tính lãi. Thứ hai là cách thức các đối tượng cho vay tiến hành thu hồi nợ của những người vay tiền quá hạn mà chưa trả. Nhiều đối tượng còn đòi nợ bằng cách hủy hoại tài sản hoặc chiếm đoạt của người vay như tạt sơn, chất bẩn vào nhà hoặc tự ý lấy đi tài sản của gia đình người vay tiền.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông, tín dụng đen vẫn còn đất sống xuất phát từ nhu cầu vay tiền của người dân. Đến với các cá nhân, tổ chức tín dụng đen, người dân được thực hiện vay tiền rất đơn giản, chỉ cần thông tin liên quan đến nhân thân, các giấy tờ tùy thân là có thể được giải quyết cho vay nhanh gọn.

Trong khi đó, người dân tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn, thủ tục cho vay được kiểm soát chặt chẽ, phần lớn đều cần có tài sản thế chấp, vì vậy những người nghèo rất khó vay vốn của các tổ chức tín dụng. Mặt khác cho vay tín dụng đen đem lại cho các chủ nợ một khoản lợi nhuận khổng lồ với lãi suất cao, nhiều trường hợp lãi suất “cắt cổ”, vì vậy nhiều người tham gia vào mạng lưới tín dụng đen.

“Để giải quyết vấn nạn tín dụng đen, Nhà nước cần ban hành các quy định cho vay với thủ tục đơn giản hơn hướng đến các đối tượng người nghèo cần vốn để làm ăn.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi cho vay tín dụng đen đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự” - luật sư Nguyễn Hữu Toại đề xuất.

 

"Sập bẫy tín dụng đen có thể khiến cho cá nhân người vay khánh kiệt tài sản, gia đình ly tán và làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Hành vi cho vay lãi cao có thể cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Tuy nhiên, thủ đoạn đòi nợ của các đối tượng có thể cấu thành các tội khác xâm phạm sở hữu như “Cướp tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”… với hình phạt nặng hơn rất nhiều." - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần