Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại sao xung đột Trung Đông đe dọa nguồn cung năng lượng toàn cầu?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Eo biển Hormuz hiện là điểm trung chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng từ Trung Đông đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Xung đột leo thang tại Trung Đông đã khiến Eo biển Hormuz, một trong những tuyến vận động dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, trở thành tâm điểm toàn cầu. Đây là khu vực quan trọng kết nối các quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu tại Trung Đông với các thị trường toàn cầu.

Các nhà phân tích năng lượng nhận định việc gián đoạn nguồn cung năng lượng tại eo biển này có thể khiến giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Trả lời phỏng vấn của CNBC, Alan Gelder, nhà phân tích năng lượng tại Wood Mackenzie, cảnh báo Iran có thể phong tỏa Eo biển Hozmuz nếu Israel tấn công quốc gia này.

Eo biên Hormuz hiện là điểm trung chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng từ Trung Đông đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: The Jerusalem Post
Eo biên Hormuz hiện là điểm trung chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng từ Trung Đông đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: The Jerusalem Post

Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung dầu mỏ thế giới vì eo biển trên vận chuyển 20% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu từ các quốc gia như Ả Rập Saudi, Kuwait và Iraq.

Sau cuộc tấn công tên lửa của Israel vào tuần trước và lời đe dọa đáp trả từ Iran, nhiều chuyên gia lo ngại xung đột có thể nhanh chóng leo thang.

Saul Kavonic, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại MST Financial, cho biết gián đoạn nguồn cung tại Eo biển Hormuz có thể khiến giá dầu tăng vọt. Ông nhận định nếu các cơ sở sản xuất dầu của Iran bị tấn công, nguồn cung cấp toàn cầu có thể giảm xuống 3%.

Ngay cả khi có lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran, nguồn cung cấp vẫn sẽ bị cắt giảm và giá dầu có thể vượt quá 100 USD. Kavonic cũng cảnh báo hậu quả từ tình trạng gián đoạn này có thể nghiêm trọng hơn nhiều với cú sốc giá dầu những năm 1970 sau cuộc cách mạng Iran và lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập.

Trong một số trường hợp, giá dầu có thể tăng vượt ngưỡng 150 USD/thùng, thậm chí đạt tới 350 USD/thùng nếu xung đột kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Dù giá dầu đã giảm nhẹ vào thứ Ba (ngày 8/10) sau khi ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023, nguy cơ vẫn đang hiện hữu. Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 12 đã giảm 2,1% xuống còn 79,19 USD mỗi thùng, trong khi giá dầu thô Trung cấp West Texas của Mỹ giảm 2,2%, xuống còn 75,42 USD mỗi ngày.

Theo Bjarne Schieldrop, chuyên gia tại ngân hàng Thụy Điển SEB, nếu Eo biển Hormuz bị phong tỏa trong vòng một tháng trở lên, giá dầu thô Brent có thể tăng đến 350 USD/thùng.

Không những vậy, thị trường khí đốt toàn cầu cũng đối mặt với những nguy cơ lớn. Warren Patterson, Giám đốc chiến lược tại ngân hàng ING, cho biết việc gián đoạn hoạt động qua eo biển này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng.

Sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Vịnh Ba Tư qua Eo biển Hormuz có thể đẩy giá dầu lên mức cao ngất ngưỡng, vượt qua mức kỷ lục 150 USD/thùng vào năm 2008.

Patterson cũng cảnh báo về tình trạng thiếu hụt khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do gián đoạn nguồn cung từ Qatar – quốc gia sản xuất lượng lớn nhiên liệu này. Theo chuyên gia này, thị trường khí đốt toàn cầu sẽ phải đối mặt với cú sốc lớn, đặc biệt là khi mùa Đông đang đến gần và nhu cầu khí đốt phục vụ cho hệ thống sưởi ấm tại các quốc gia ở bán cầu Bắc tăng cao.

Các chuyên gia cảnh báo thiếu hụt nguồn cung từ Qatar sẽ khó có thể bù đắp bởi các nguồn LNG từ các quốc gia khác. Điều này có thể đẩy giá khí đốt tăng vọt và gia tăng áp lực lên thị trường năng lượng vốn đang trải qua nhiều biến động.