Tài xế khởi kiện Grab ra tòa vì bất ngờ bị khóa tài khoản làm đối tác

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất ngờ bị phía doanh nghiệp khóa tài khoản đối tác tài xế cho Grab, một số tài xế chạy xe GrabCar tại TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam lên Tòa án án yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

Tài xế Nguyễn Thế Thiện (ngụ Bình Dương) - chạy xe GrabCar, đã có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí nêu rõ về việc Grab đã thực hiện không đúng với những gì cam kết ban đầu đối với tài xế chạy xe.

Cụ thể trong đơn, anh Nguyễn Thế Thiện trình bày, sau khi vay tiền để mua xe ô tô chạy Grab, đến ngày 10/9/2018, anh Thiện và Công ty TNHH Grab Việt Nam đã thực hiện hợp đồng điện tử với mục đích trở thành "đối tác công nghệ" (hay còn được gọi là tài xế đối tác) của Công ty. Hai bên đã đồng ý xác lập các quyền và nghĩa vụ thông qua hoạt động lái xe hàng ngày.

Anh Nguyễn Thế Thiện bức xúc vì tài khoản của mình bị Grab khóa không có lý do. 

Thế nhưng, đến ngày 21/11/2018, Công ty TNHH Grab Việt Nam bất ngờ gửi tin nhắn thông báo tài khoản của anh Thiện bị khóa vĩnh viễn và có hiệu lực ngay tức thì với lý do: "Đã vi phạm bộ Thỏa thuận về hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm quy tắc ứng xử của lái xe gây ảnh hưởng đến uy tín và sự hoạt động bình thường của công ty TNHH Grab". Điều đó, khiến anh Thiện hết sức hoang mang và bức xúc.
Sau khi nhận được thông báo từ Công ty TNHH Grab Việt Nam, anh Thiện đã phản hồi thông tin, bày tỏ mong muốn đối thoại để tìm ra nguyên nhân và giải pháp, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên, từ đó có cơ sở để cùng nhau giải quyết các vướng mắc. Tuy nhiên, Công ty TNHH Grab Việt Nam không chấp thuận, thậm chỉ còn có hành vi ngăn cản quyền trao đổi giữa anh với công ty.
Từ đó, anh Thiện cho rằng, việc Công ty TNHH Grab Việt Nam tự động ngừng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của anh cũng như của nhiều lái xe khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là việc làm không đúng với các thông tin được hiển thị trên ứng dụng cũng như Bộ quy tắc ứng xử GrabCar.
Điều đáng nói, nội dung bảng quy tắc này không đề bất kỳ một quyền lợi hợp pháp nào cho tài xế đối tác. Điển hình như tài xế không nhận lệnh vận chuyển sẽ bị khóa tài khoản bất kể là nguyên nhân nhận lệnh từ đâu.
Đồng thời, việc Bộ Quy tắc ứng xử quy định "Hủy cuốc xe hoặc yêu cầu hủy cuốc xe không có lý do hợp lý" nhưng lại không quy định rõ khái niệm "lý do hợp lý" là như thế nào? Cùng với đó, phía Grab không thực hiện đúng trình tự về việc nhắc nhở lái xe, khóa tạm thời tài khoản theo quy định. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tài xế.
Đơn kêu cứu của anh Thiện.
Chưa hết, Công ty cam kết sẽ cung cấp phần mềm kết nối người vận chuyển và hành khách có nhu cầu đi xe hợp đồng nhưng trên thực tế, với phần mềm này thì bản thân anh Thiện cũng như tất cả các lái xe là đối tác khách khác không có quyền đàm phán, giao kết hợp đồng với hành khách về lộ trình cước phí, điều xe.
Các lái xe tham là đối tác buộc phải thực thi các quyết định theo điều hành của Grab mà không có quyền đề xuất, can thiệp. "Rõ ràng, khi giao kết xác định chúng tôi là "đối tác" nhưng về bản chất chúng tôi lại giống như "người lao động" của công ty, thực hiện công việc theo sự điều phối của Công ty nhưng không được đảm bảo các quyền lợi của người lao động theo quy định của Bộ luật lao động", anh Thiện nêu rõ.

Cũng theo anh Thiện, tài xế là đối tác của Công ty TNHH Grab Việt Nam, tự đầu tư xe, tự hạch toán khấu hao, trả lãi ngân hàng (nếu có), tự trả lương và tự đóng thuế, tự chịu mọi rủi ro khi vận hành phương tiện. Nhưng lại không có bất kỳ một quyền lợi nào của một đối tác mà bị đối xử như người lao động của Công ty và bị khóa tài khoản, đuổi ra khỏi hãng Grab bất cứ lúc nào.
Khi quyền lợi bị xâm phạm, chúng tôi không biết tìm đến đơn vị nào để được bảo vệ. Hơn nữa, hàng tháng chúng tôi bị công ty trừ 3,6% doanh thu để đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT, nhưng chúng tôi không được nhận bất kỳ chứng từ nào về việc đóng thuế này và thật sự không biết số tiền đóng thuế của mình đã nộp cho ngân sách Nhà nước hay chưa?
Tài xế Nguyễn Văn Hưng bên hồ sơ khởi kiện Grab ra tòa.
Rơi vào tình cảnh éo le tương tự, anh Nguyễn Văn Hưng (huyện Nhà Bè) cho biết, vào tháng 1/2018, sau khi đã có đầy hồ sơ như phù hiệu xe hợp đồng và xác nhận xã viên của hợp tác xã vận tải Hòa Bình (quận Gò Vấp) do phía Grab yêu cầu, anh Hưng đã được Grab cung cấp phần mềm kết nối. Sau khi ứng dụng được kích hoạt, Grab là người điều hành trực tiếp về hoạt động vận tải hành khách.
2 bên đồng ý ký kết, xác lập các quyền và nghĩa vụ thông qua các quy chế, quy tắc ứng xử, các điều khoản mà bên phía Grab đưa ra liên quan đến hoạt động, nhận cuốc xe hàng ngày; thu tiền khi kết thúc chuyến xe; giá vận chuyển được hiển thị trong ứng dung do Grab cung cấp…
Thế nhưng, đến ngày 14/11/2018, Grab đã đơn phương ngừng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của anh Hưng. Lý do Grab đưa ra là do anh Hưng vi phạm Điều 14 của “Văn bản thỏa thuận”.
Cụ thể, phía Grab cho rằng tài xế có tỷ lệ hủy cuốc xe là 25,17%, vượt mốc 25% theo quy định. “Thế nhưng, thực tế, tính đến chuyến xe cuối cùng của tôi là lúc 20 giờ 50 phút, ngày 11/11/2018 được hiển thị trên ứng dụng với tỷ lệ huỷ chuyến là 24,6%. Thế nên, việc Grab tự động ngừng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của tôi là không đúng với các thông tin được hiển thị trên ứng dụng Grab đã cung cấp và vi phạm thỏa thuận hợp tác giữa hai bên”, anh Hưng khẳng định.
Thông báo về việc thụ lý vụ án của TAND quận 10 về đơn khởi kiện của anh Hưng kiện Grab
Cũng theo anh Hưng, những cuốc xe do Grab chuyển đến cho anh thì anh đều liên hệ với khách để xác nhận lại hành trình và thời gian đón khách. Trường hợp hủy cuốc xe do không thể đón đúng giờ hoặc điểm đón khách có biển cấm dừng và đỗ xe, trong đó có những cuốc xe đã đến nơi, do khách hàng không có hoặc số lượng người nhiều hơn nên đã từ chối vận chuyển do quá số lượng khách, khách yêu cầu chở hàng hoá và không có người đi theo hoặc điểm đón không an toàn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Do đó, theo anh Hưng, việc Grab đơn phương khóa tài khoản vĩnh viễn mà không báo trước, không xem xét các khiếu nại của anh đã gây thiệt hại nghiêm trọng. “Tôi mất nguồn thu nhập một cách bất ngờ trong khi vẫn phải chi trả tiền lãi vay mua xe cho ngân hàng, chi phí khi xe không lăn bánh (chi phí gửi giữ, chi phí bảo dưỡng…) và các khoản thu nhập đáng lẽ ra phải được hưởng từ Grab. Việc Garb đơn phương khóa tài khoản của tôi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi, mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình tôi, vì công việc lái xe của tôi là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình”, anh Hưng chia sẻ.
Sau khi Grab khóa tài khoản không có lý do chính đáng, anh Nguyễn Văn Hưng đã có đơn khởi kiện lên TAND quận 10 (TP Hồ Chí Minh) yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH Grab phải phải kết nối lại tài khoản của anh trên ứng dụng gọi xe để tiếp tục làm việc lại bình thường.
Bên cạnh đó, yêu cầu phía Grab phải bồi thường khoản thiệt hại là thu nhập mà đáng lẽ ra anh có được với khoản bồi thường là 1.250.000 đồng/ngày, tính từ ngày Grab khóa tài khoản (ngày 15/11/2018) tạm tính đến ngày 18/4/2019 (ngày Tòa án Nhân dân quận 10 hòa giải lần thứ nhất), với tổng cộng số tiền là 192.500.000 đồng. Số tiền thiệt hại còn lại sẽ được tính cho đến khi Grab mở lại tài khoản cho anh Hưng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần